Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn có thói quen thả rông trâu, bò, cộng với lực lượng thú y mỏng, dẫn đến dịch ngày càng phức tạp.
Mất đầu cơ nghiệp
Mặc dù dịch LMLM trên đàn gia súc ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh mới xuất hiện, nhưng dịch bùng phát và lây lan nhanh. Tính đến đầu tháng 4, trên địa bàn phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh đã có trên 125 con gia súc bị nhiễm bệnh, trong đó 98 con bò và 27 con trâu.
Ông Phạm Duy Ất- Phó Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu cho biết: “Nằm trong địa bàn của thị xã Hồng Lĩnh, tuy nhiên Đậu Liêu lại là một phường miền núi, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Địa phương có tổng đàn gia súc lớn, nhiều hộ gia đình tập trung vào chăn nuôi trâu bò theo dạng bầy đàn thả rông trên núi”.
Hầu hết, các hộ chăn nuôi ở đây đều phát hiện dịch rất muộn như hộ ông Lê Xuân Phi ở khối phố 8 có 10 con bò thì khi 6 con bị dịch, ông mới phát hiện đưa về nuôi nhốt chữa trị hay hộ bà Hồ Thị Hà có 11 con cả trâu và bò thì đã có đến 7 con dính dịch. Bà Hà chán nản, nói: “Cả gia đình chỉ trông chờ vào mỗi đàn trâu, bò này. Thế mà nay lại bị dịch, nếu chúng chết hết thì coi như cả nhà mất nghiệp”.
Vẫn còn thói quen chăn nuôi thả rông
Theo ông Ất, dịch LMLM tại địa phương bùng phát từ khối phố 8, nơi đây người dân có tập quán thả rông gia súc. sau đó dịch bệnh đã lây lan sang trâu, bò được chăn dắt ở các khối phố 1, 3 và 7. Chị Phạm Thị Hà ở khối phố 3. phường Đậu Liêu cho biết: “Hơn một tuần nay, tôi không dám thả trâu ra khỏi vườn, dịch bệnh lây lan nhanh khắp phường rồi, tôi lo lắng lắm”.
“Hơn một tuần nay, tôi không dám thả trâu ra khỏi vườn, dịch bệnh lan nhanh khắp phường rồi, tôi lo lắng lắm”.
Chị Phạm Thị Hà
Ông Lê Văn Cầu – Giám đốc Trung tâm KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Sau khi dịch LMLM bùng phát, trung tâm đã báo cáo thị xã và tỉnh công bố dịch tại phường Đậu Liêu để huy động các lực lượng vào cuộc. Tuy nhiên, quá trình dập dịch gặp một số khó khăn như hiện nay không có hoá dược đặc hiệu điều trị bệnh này mà chủ yếu điều trị theo kinh nghiệm cách ly súc vật bệnh, rửa các mụn loét ở miệng và chân của gia súc bằng nước muối, bôi các thuốc sát trùng…
Theo ông Cầu, vấn đề hiện nay là người dân đang rất chủ quan trong phòng dịch do khi bị nhiễm bệnh này, gia súc không chết ngay. Trong khi đó chỉ đạo ở cơ sở thiếu cương quyết kéo lê thời gian xử lý ở địa phương, mạng lưới thú y ở cơ sở quá yếu, đào tạo lưng chừng… Cũng theo lý giải của ông Cầu, một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát thời gian qua là do tiêm phòng không đạt kết quả vì địa phương này có số lượng lớn gia súc thả rông trên núi nên trâu bò rất hung dữ, cán bộ thú y rất khó tiếp cận để tiêm phòng.
Hữu Anh
Dân Việt