Xã hội

Bộ trưởng Y tế đề nghị xem xét giãn cách xã hội đối với TPHCM

Chỉ trong thời gian ngắn, TPHCM đã ghi nhận 29 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP xem xét phương án giãn cách xã hội.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, sau trường hợp bệnh nhân 1979 được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát chủ động, đến nay trên địa bàn đã ghi nhận thêm 28 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn 6 quận huyện. Các lực lượng của thành phố đang quyết liệt thực hiện giải pháp khoanh vùng dập dịch.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh.


Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Thành phố đã đáp ứng dịch rất nhanh và kịp thời theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Y tế đánh giá cao các hoạt động của TPHCM. Đối với đợt dịch này, các ca lây nhiễm của khu vực bốc xếp sân bay là những ca có thể xuất hiện trước đây tức là những trường hợp hiện tại là mới nhiễm, các trường hợp đã nhiễm có thể không phát hiện được. Ổ dịch tại khu bốc xếp có thể đã có từ trước, các ca mới nhiễm đã xuất hiện tại nhiều quận huyện của TPHCM".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: "Tình hình dịch khá phức tạp vì đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm. Bộ Y tế lo lắng về thực trạng này vì chưa biết điểm khởi đầu của chùm lây nhiễm. Có thể có thêm các trường hợp lây nhiễm đã khỏi và có thể có thêm các trường hợp sẽ nhiễm trong thời gian tới. Giao lưu của nhóm bốc xếp không lây nhiễm vào hành khách và người phục vụ nhưng nguy cơ cao với cộng đồng của TPHCM, đặc biệt là người nhà bệnh nhân và các trường hợp tiếp xúc".

TPHCM đang hỏa tốc thực hiện các phương án phòng chống dịch


Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở TPHCM khá phức tạp, tất cả các đơn vị liên quan cần có hành động nhanh chóng, khẩn trương. Mọi vấn đề chống dịch cần nâng cao thêm một mức, làm mạnh hơn một mức để kiểm soát tình hình dịch, các hành động của chúng ta phải đi trước dịch chứ không thể chậm trễ".

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế TPHCM phải nhanh chóng xác định các trường hợp là công nhân hay người thân trong gia đình những người bốc xếp hàng hóa có nguy cơ cao nhất để có hướng xử lý phù hợp. Cần truy vết tất cả công nhân làm việc với nhau trong khu vực, sau đó mở rộng ra đối với các khu vực của 5 công ty đang hoạt động. Ngành y tế cũng cần truy vết các ca phát hiện trong cộng đồng mặc dù có những ca không dương tính nhưng cần phải kiểm tra lại để tránh trường hợp F1 âm tính nhưng F2 và F3 có thể dương tính.

Nhiều khu dân cư nơi phát hiện ca bệnh đã được phong tỏa ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng


Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tiến hành khoanh vùng thật nhanh đối với tất cả những trường hợp được phát hiện. Lấy mẫu tất cả các trường hợp liên quan đến ca bệnh và những trường hợp sống trong khu vực có ca bệnh. Tạm thời phong tỏa lấy mẫu toàn bộ khu phố sau đó thu hẹp lại những khu vực phát hiện nguy cơ cao.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn, đề nghị thành phố lấy mẫu theo cụm gia đình, trộn 16 mẫu cho một xét nghiệm. Các đơn vị cần đi từng nhà, lấy toàn bộ mẫu nếu dương tính đưa đi cách ly, lấy mẫu lần thứ hai. Không chờ phân tích từng mẫu mà phải cách ly ngay trước khi lấy mẫu lần thứ hai.

Dịch đã lan ra cộng đồng, vì thế Bộ trưởng đề nghị thành phố quyết định chọn địa điểm để áp dụng chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 16 đối với từng khu vực để tăng cấp độ khoanh vùng, truy vết ổ dịch, cần đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Y tế đề nghị thành phố nghiên cứu Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 khẩn trương chống dịch


Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 8/2 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Chính phủ xem xét giãn cách xã hội một số khu vực đối với TPHCM để khoanh vùng dập dịch. Trước đề nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là vấn đề lớn, gây ảnh hưởng sâu rộng, Chính phủ đề nghị các bên nghiên cứu cụ thể đề xuất của Bộ Y tế.

Bộ Y tế sẽ điều bộ phận thường trực do Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng bộ phận, huy động toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn để sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở TPHCM. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ nâng công suất xét nghiệm tối đa, việc điều phối lấy mẫu, vận chuyển chia mẫu cần nhanh chóng, thận trọng. Khoanh nhanh, xét nghiệm sớm là yếu tố then chốt để ngăn chặn dịch.

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP