Trong nước

Bộ trưởng Thăng và những ‘tin nhắn thần thánh’

Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh TL

Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh TL

“Tin nhắn thần thánh” chỉ là cách ví von theo kiểu giới trẻ bây giờ, để nói về những sự việc được công khai là đã xử lý sau những tin nhắn phản ánh do gửi dân gửi đến số điện thoại của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Trong hơn nửa đầu năm 2014, số sự việc mà bộ trưởng công khai từ tin nhắn ngày một nhiều…
Ngày 24.8, trên Facebook xuất hiện lời kể một tài xế rằng, khi đang cùng một số ô tô khác di chuyển hướng từ Yên Bái – Hà Nội qua địa phận xã Sai Nga (Cẩm Khê – Phú Thọ) lúc trời tối thì thấy phía trước có tấm chắn đường.
Một nhóm thanh niên bất ngờ xuất hiện nói phía trước là đường cấm, không đi được. Hai thanh niên khác đi xe máy tới nói phải trả phí mới dẫn đi đường tắt.
Tiền “bo” dẫn đường cho mỗi xe được nhóm thanh niên yêu cầu ít nhất là 100.000 đồng. Một chủ xe Innova định phản ứng liền bị đe dọa nên tất cả liền đưa tiền để được đi cho nhanh, vì đang ở nơi vắng vẻ giữa đêm tối.
Khi đến trạm thu phí gần nhất, những người lái xe này mới vỡ lẽ những tấm chắn đường kia là do người ở đó làm ra để buộc xe đi theo chỉ dẫn hòng kiếm lời bất chính.
Ngay trong đêm đó, tài xế đăng tải sự việc đồng thời nhắn tin cho Bộ trưởng Đinh La Thăng và nhận được lời cam kết xử lý.
Ngày 25.8, một bài viết trên Zing cho biết ông Bùi Đình Tuấn – Giám đốc Công ty vận hành quản trị đường cao tốc phía Bắc đã xác nhận tình trạng trên và cho hay, nó tồn tại từ khi thi công 2 điểm giao thông A4-A5 (dự kiến hoàn thành vào tháng 9).
Lợi dụng tình hình, vào ban đêm một số thanh niên địa phương đã che dấu biển hướng dẫn của các nhà thầu, ép các tài xế đi vào đường làng không có đèn, vượt qua vị trí thi công, tiếp tục lên đường cao tốc di chuyển theo lộ trình để thu phí bất chính và sẵn sàng đe dọa nếu có phản ứng.
Rồi ông Tuấn khuyến cáo: Các phương tiện di chuyển trên hai nút giao thông này cần chú ý thực hiện đúng theo biển chỉ dẫn, không đi vào khu công trường đang thi công. “Nếu có gặp cò dẫn đường xin tiền “bo” thì báo ngay cho công an địa phương gần nhất hoặc điện thoại về đường dây nóng của đơn vị thi công, Ban quản lý cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 0913.567959 để được hướng dẫn” (theo Zing).
Thế nhưng cứ thử nghĩ, với cách giải quyết mà ông Tuấn nói thì nếu có xảy ra một trường hợp tương tự, nơi nhận phản hồi tiếp theo của cánh tài xế hẳn vẫn là số điện thoại của Bộ trưởng Thăng. Vì sao?
Thứ nhất, ngay cả một đoàn xe gồm nhiều người như trên còn không dám phản ứng lại nhóm thanh niên địa phương kia thì nếu có bị ép tương tự, ai dám báo ngay cho công an địa phương gần nhất hoặc gọi đường dây nóng của đơn vị thi công? Mà họ nên báo vào lúc nào? Lúc đang bị uy hiếp hay lúc đã bị uy hiếp xong rồi? Báo rồi thì tình hình ra sao?
Thứ hai, trong tình huống đó, khuyến cáo tài xế gọi điện đến các đơn vị trên “để được hướng dẫn” là hướng dẫn cái gì, làm việc gì?
Chưa hết, đợi đến lúc báo chí hỏi, đơn vị thi công mới xác nhận đã biết tình trạng trên có tồn tại. Vậy thời gian qua họ làm gì, có báo cho cơ quan công an gần nhất như đã hướng dẫn người đi đường không?
Tài xế nói trên không phải là người đầu tiên nhắn tin nói bức xúc của mình cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Mà từ chuyện bị hãng hàng không “bỏ rơi” ở sân bay, bị hành phải đi đổi tiền lẻ mới cho mua vé đón/tiễn ở ga Hà Nội, phiền hà khi đổi bằng lái xe… người dân cũng báo đến ông.
Sau đó, báo chí thông tin lại là ông đã chuyển tin nhắn đó đến cơ quan ban ngành liên quan yêu cầu xử lý. Như sáng 29.7, TNO đưa tin Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo cơ quan chức năng rút ngắn thời gian đổi giấy phép lái xe sau khi nhận được tin nhắn phàn nàn của người dân.
Hay tin nhắn hành dân phải đổi tiền lẻ khi mua vé đón/tiễn ở ga được ông Đinh La Thăng chuyển cho Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu xử lý vào ngày 29.5 (theo TPO).
Có lẽ, cách công khai số điện thoại của Bộ trưởng Thăng là làm theo chủ trương “Dân biết -Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra”. Những tin nhắn mà ông công bố cho thấy, dường như người dân đã phần nào được lên tiếng về việc bị “hành là chính” lâu nay, chưa nói đến liệu sự việc mà người dân phản ánh sau đó có được giải quyết triệt để hay không.
Điều đáng nói là, khi báo chí tiếp nhận phản hồi của dân, đem đến hỏi, hầu hết các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhà nước (từ trung ương đến địa phương) đều than lực lượng mỏng, không đủ sức, không đủ chi phí, phải dàn trải… nên không bao quát hết được tình hình…
Nay, chỉ cần một tin nhắn cho bộ trưởng, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lập tức cho biết đã xử lý, thậm chí công bố cả đường dây nóng để sau này dân khỏi nhắn tin cho bộ trưởng (như ông tổng ngành đường sắt)… Không biết lúc ấy, lực lượng ở đâu ra mà phản ứng nhanh thế?
Và trong nhiều câu nói “được lòng dân” của vị bộ trưởng này do báo chí đăng tải, có một câu đáng lưu ý, rằng: Một mình ông không thể chống hết tham nhũng.
Cũng có nghĩa là, một mình ông không thể nào giải quyết được hết những bức xúc, khó khăn của dân qua từng tin nhắn (có thật). Bởi đó không phải vấn đề mới phát sinh, đó chỉ là một trục trặc rất nhỏ trong một hệ thống cần được tái cơ cấu càng nhanh càng tốt.

Anh Thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP