Trong nước

Bộ trưởng Bộ Công an nói về tin Trịnh Xuân Thanh về nước

Sáng 30-7, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm nói chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội lan truyền.

Sáng 30-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM liên quan đến một số thông tin cho rằng Bộ Công an đã dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: “Hiện tôi chưa có thông tin gì”.

Khi PV đặt câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi, báo Pháp Luật TP.HCM muốn đưa thông tin chính thức từ lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm nói: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói với PV Pháp Luật TP.HCM sáng 30-7: Chưa nhận thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh đã được di lý về Việt Nam.

Trước đó, ngày 17-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu các cơ quan tố tụng tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 1-4, liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT vừa khởi tố, bắt tạm giam thêm ông Đỗ Văn Hồng (50 tuổi, trú Bắc Ninh), chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Kinh Bắc (PVC-KBC, công ty con của PVC). Ông Hồng bị khởi tố để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã quốc tế .

Cùng với đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến (51 tuổi, trú Hà Nội), nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), vốn đã bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nay bị khởi tố thêm tội danh mới.

Bộ Công an cho biết hai bị can này bị bắt trong quá trình điều tra mở rộng vụ án hình sự Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT; Vũ Đức Thuận - nguyên tổng giám đốc PVC, về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, liên quan đến vụ án, công an đã khởi tố đối với 10 bị can nguyên là cán bộ của PVC để phục vụ điều tra.

Trước đó, ngày 16-9-2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan đến vụ án, công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bốn bị can khác gồm: Vũ Đức Thuận (nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc); Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp đó, ngày 15-2-2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố năm bị can về tội tham ô tài sản. Năm bị can bị khởi tố gồm: Ông Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, PVC; ông Lê Xuân Khánh, trưởng Phòng Kinh tế tổng hợp ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch. Cùng ông Nguyễn Thành Quỳnh, giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP