Nhân ái

Bố tai nạn, mẹ ung thư, nam sinh lớp 10 có nguy cơ bỏ học

Bố bị tai nạn ngã giàn giáo nằm liệt giường, mẹ thì đau đớn bởi căn bệnh ung thư vòm họng đã di căn nên gia đình càng rơi vào cảnh túng quẫn, không có lối ra. Thương bố mẹ, Diệu nhiều lần suy nghĩ sẽ nghỉ học đi làm nhưng cậu bé 16 tuổi lại bị bệnh viêm cầu thận nên càng không biết sẽ bắt đầu từ đâu.

“Thật ra cháu vừa mới đỗ vào lớp 10, cháu cũng muốn đi học, muốn được học lên Đại học nữa nhưng giờ bố mẹ bệnh hết cả rồi, cháu không biết làm sao cả” – Những lời tâm sự của cậu bé Nguyễn Văn Diệu học sinh lớp 10, trường THPT A Hải Hậu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khiến chúng tôi ai cũng chạnh lòng khi trở về thăm em theo địa chỉ lá đơn cầu cứu. 16 tuổi, Diệu vừa chạm ngõ cánh cổng trường cấp 3, cũng là lúc em hoang mang với quyết định sẽ nghỉ học để đi làm phụ bố mẹ.

Cậu bé Diệu vừa thi đỗ vào lớp 10 trường A Hải Hậu nhưng em đang có nguy cơ bỏ học vì bố mẹ bệnh tật, ốm đau.

Bố của em bị ngã giàn giáo, vừa trải qua ca mổ ghép vỏ não nên còn đau đớn.

Căn nhà nhỏ, vắng hoe và có phần lạnh lẽo, ngồi thất thần bên khung cửa sổ nhìn ra đường là anh Nguyễn Văn Du (bố của Diệu). Vừa từ bệnh viện trở về sau ca mổ ghép vỏ não nên anh còn khá mệt và đau. Gương mặt buồn rượi, anh cố húp bát cháo loãng con trai mang cho để lấy lại sức mà nước mắt ngắn dài. Là người đàn ông trụ cột trong gia đình nên anh ngại để chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng này, nhưng sự thật bi đát anh buộc phải chấp nhận: “Bình thường anh đi làm thợ xây nhưng hồi tháng 6 vừa qua anh bị ngã giàn giáo, phải cấp cứu trên bệnh viện Việt Đức. Ngày đó anh tưởng mình chết mà ông trời còn thương cho anh sống nhưng cũng chính vì anh còn sống mà vợ con anh càng vất vả hơn”.

Anh tâm sự: "Vì anh còn sống nên vợ con khổ".

Vợ anh, chị Phượng bị ung thư vòm họng đã di căn chăm sóc chồng.

Tâm sự đến đây thì anh nghẹn lại khiến chúng tôi cũng không dám hỏi gì thêm. Ngồi ở phía trong nhà, vợ anh là chị Nguyễn Thị Phượng đang húng hắng ho và khá mệt. Chị phát hiện căn bệnh ung thư vòm họng đã di căn nhưng vì không có tiền đi điều trị nên về nhà lấy thuốc nam uống. Chị len lén nhìn anh, đôi môi cũng bặm chặt nhưng hai hàng nước mắt cứ thế thi nhau chảy xuống cổ. Chị ngại ngùng: “Anh cứ bảo anh mà chết thì mẹ con chị đỡ khổ em ạ. Nghe anh nói mà buốt hết ruột gan. Từ ngày tai nạn, anh đặt đâu nằm đó, giờ thi thoảng ngồi dậy được 1 chút nhưng chưa đi lại được vì bên chân gãy và tổn thương sâu lắm. Chị thì bệnh tật không biết sống được với bố con được đến bao giờ nữa”.

Chị bệnh, giá mà anh khỏe mạnh hoặc ngược lại thì có lẽ gia đình còn 1 phần an ủi vì có người để dựa dẫm, đằng này… Đó cũng là lí do khiến cho cậu bé Diệu có suy nghĩ sẽ nghỉ học để đi làm, nuôi bố mẹ. Nhưng bản thân em có khỏe mạnh gì cho cam khi nhiều năm nay phải điều trị chứng bệnh viêm cầu thận nếu không sẽ chuyển biến suy thận nhanh chóng.

Khối u ở cổ của chị Phượng đã sưng to và đau đớn.

Giấy xác nhận bệnh tật mới nhất của chị.

“Ở khu này đúng là không có nhà nào éo le như nhà cô chú Phượng. Thằng bé Diệu nó ngoan lắm, đi học về là làm hết các công việc nhà từ nấu cơm, giặt giũ rồi chăm bố mẹ nữa. Đợt vừa rồi thi vào lớp 10, nó đỗ điểm cao mà lại vào trường tốt nhất khu vực huyện chúng tôi đấy nhưng nó buồn lắm,cứ kể chuyện với chúng tôi là cháu nghỉ học đi làm” – Một người hàng xóm của gia đình anh chị kể chuyện khi biết chúng tôi về thăm.

Sự lo lắng của mọi người ở đây khiến cho chúng tôi càng hoang mang và sốt ruột bởi Diệu vừa mới thi đỗ lên lớp 10. Gương mặt buồn thiu, em cứ lặng lẽ làm mọi việc từ lau mặt, xúc cho bố bát cháo hay chạy vào hỏi mẹ. Cậu bé 16 tuổi đang hiểu hết hoàn cảnh gia đình mình không thể khiến em yên tâm để tiếp tục đi học nên quyết định kia càng thôi thúc hơn. Em nghẹn lại: “Chiều nay đi học cháu sẽ xin các thầy cô thôi”.

Chị cố ngồi bó chổi với đồng công 30 nghìn đồng/ ngày để kiếm cái ăn.

Diệu vừa thi đỗ vào lớp 10, lại đang phải điều trị chứng viêm cầu thận nhưng em có nguy cơ bỏ học để đi làm.

Biết được ý định của con nên chị Phượng càng nóng lòng như ngồi trên đống lửa. Mệt và khó thở nhưng chị vẫn gắng sức bó những chiếc chổi rồi nhờ người mang bán với đồng công được khoảng 30 nghìn/ ngày. Chứng kiến cảnh chị kéo những sợi rơm rồi lại buộc, quấn mà ho sặc sụa, ai cũng xót ruột nhưng đó lại là cách duy nhất để chị kiếm mấy đồng lo bữa cơm, bữa cháo cho cả nhà.

“Xin các cô chú cứu bố mẹ cháu, cháu chắc chắn sẽ đi làm để phụ giúp bố mẹ cháu nữa. Mẹ cháu đau lắm, đêm ngủ là khối u nó giật liên tục, bố cháu thì ôm đầu kêu đau suốt thôi”. Chào tạm biệt chúng tôi khi ra về, Diệu khẽ cầu xin ở ngoài cổng để bố mẹ không nghe thấy rồi em lại cúi mặt đến tội nghiệp. 16 tuổi, Diệu chưa thể đứng lên cáng đáng được gia đình trong khi bố mẹ đều yếu đau, bệnh tật… nên cách duy nhất em có thể nghĩ được là nghỉ học đi làm khi bản thân cũng đang bệnh.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3058 : Chị Nguyễn Thị Phượng (xóm 10, Liên Minh, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)

Số ĐT: 0962.235.932

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP