Nhân ái

Bố mẹ thần kinh, con gái bị trâu húc xuyên ổ bụng không tiền điều trị

Hai mảnh đời bất hạnh đến với nhau sinh được 4 người con. Những đứa trẻ ngơ ngác, khốn khổ từ lúc lọt lòng chỉ biết bấu víu lấy ông bà nội. Nay một đứa bị trâu húc xuyên ổ bụng, gia đình nghèo đó rơi vào bế tắc.

Hoàn cảnh của em Đinh Thị Nguyệt, lớp 7C, Trường THCS Phúc Trạch, trú xóm 6, xã Hương Đô, Hương Khê (Hà Tĩnh) khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Sinh ra trong một gia đình không được vẹn tròn khi cả bố lẫn mẹ đều bị bệnh thần kinh, bốn chị em Nguyệt nương nhờ ông nội Đinh Hữu Nghị (69 tuổi) và bà nội Hoàng Thị Khương (70 tuổi) già yếu, bà còn bị điếc do sức ép bom Mỹ.

Bé gái nằm co ro trên giường, tủi thân vì nỗi đau

Cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn khi mới đây, trong lúc đi chăn trâu, Nguyệt bị trâu húc rơi từ trên cao xuống, thủng hậu môn, sừng trâu xuyên ổ bụng phải đi bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng gia cảnh khó khăn, ông bà nội không có tiền để chữa trị dài ngày cho em.

Tìm đến hỏi thăm gia đình Nguyệt, người dân chỉ cho chúng tôi căn nhà rách tả tơi, xơ xác. Trong nhà, mấy đứa nhỏ lem luốc mặc quần áo cũ kĩ, sờn vải đang ngồi chơi, thấy người lạ đến thì rụt rè bỏ chạy.

Ngôi nhà rách nát, lụp xụp là nơi cư trú của những mảnh đời bất hạnh

Anh Đinh Hữu Hiệp mắc bệnh thần kinh do di chứng chất độc da cam từ người bố từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm xưa. Lớn lên với trí não không bình thường, anh Hiệp kết duyên với chị Tuyết, một người đàn bà “quá lứa”, tính dở dở ương ương do ảnh hưởng từ người bố thương binh cũng nhiễm chất độc da cam.

Hai phận đời bất hạnh kết duyên xây lên một gia đình nhỏ, sinh được 4 người con gồm Đinh Thị Ánh (17 tuổi, học lớp 11); Đinh Thị Ánh Nguyệt (14 tuổi, lớp 7); Đinh Thị Huyền Diệu (9 tuổi, học lớp 2) và Đinh Quốc Linh (6 tuổi, học lớp 1).

Do bố mẹ mắc bệnh thần kinh, tính tình thất thường, không đủ khả năng và nhận thức để nuôi con nên 4 chị em Nguyệt cứ 6 tháng tuổi là lần lượt được ông bà nội ở gần đó ẵm về chăm sóc.

Chị Đinh Thị Tuyết không bình thường, chỉ biết cười

Cha mẹ không bình thường, 4 đứa trẻ lớn lên trong cảnh đói khát, thiếu sự bao bọc, chăm sóc. Hằng ngày tan học, mấy chị em lại rủ nhau lên rừng hái cây rành rành về cột thành bó, mang ra chợ bán cho người dân làm chổi quét sân. Mỗi bó chổi kiếm được vài ba ngàn tiền lẻ, mấy đứa nhỏ lại đưa cho ông bà để thêm tiền mua sách vở đến trường. Năm nay người ông nội gần 70 tuổi nhưng phải đi làm phụ hồ, thợ xây để kiếm tiền nuôi các cháu. Với hoàn cảnh như vậy, nỗi mặc cảm trong các em càng lớn hơn.

Mới đây em Đinh Thị Ánh Nguyệt bị trâu húc, tung từ trên cao rơi xuống đất, sừng trâu xuyên qua hậu môn, rồi làm thủng ổ bụng. Thời điểm xảy ra chuyện, ông nội bận đi làm, một mình bà nội đưa Nguyệt lên trạm xá rửa vết thương rồi trở về nhà nằm.

“Bà nó cứ nghĩ cháu bị ngoài da nên không đưa đi viện, đến trạm xá băng vết thương rồi về nhà nằm. Hai ngày sau, cháu kêu đau dữ dội nên tôi nghỉ công việc phụ hồ, đưa cháu đi bệnh viện khám thì bác sĩ bảo vết thương đã nhiễm trùng”, ông nội của Nguyệt nói.

Vết thương sâu nhiễm trùng, bệnh viện tuyến huyện không khâu nối được nên giới thiệu ra bệnh viện ở Hà Nội. Tuy nhiên do không có thẻ bảo hiểm, ông bà nội không có tiền, đành nén nước mắt đi vay hàng xóm được 5 triệu đồng đưa cháu xuống bệnh viện tỉnh xử lý vết thương. Từ hôm ấy hễ có khách đến thăm hỏi, Nguyệt đều vùi mình trong chăn, em xấu hổ với những nỗi đau thầm kín cả về thể xác lẫn tinh thần.

Những đứa trẻ đói khát, lem luốc bơ vơ trước cuộc sống đói nghèo

“Bác sĩ khâu hơn 10 mũi, phần nào nhiễm trùng thì họ cắt bớt rồi khâu nối lại. Nhìn cháu đau mà tôi quặn hết ruột gan. Khâu xong họ bảo nhập viện điều trị nhưng ông cháu tôi không có tiền nên đành đưa cháu về nhà nằm uống thuốc kháng sinh. Bác sĩ hẹn tái khám nhưng giờ tôi không có tiền đưa cháu đi viện nữa. Căn nhà của chúng thì hư hỏng, bán cũng chẳng ai mua. Cháu vẫn đau, tôi lo lắm. Chúng tôi già yếu rồi, một mai đây không còn nữa thì ai sẽ nuôi cho 4 đứa ăn học. Bố mẹ chúng mắc bệnh thần kinh. Thương lắm cháu của tôi”, nước mắt rỉ ra lăn xuống gò má hốc hác, nhăn nheo của ông Nghị. Một điều rất đáng tiếc là hoàn cảnh của gia đình ông chưa được xếp vào diện hộ nghèo.

Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết về hoàn cảnh gia đình cháu Nguyệt: “Người chồng tính dại dại, vợ thì bệnh điên. Nhà cửa có nhưng chưa được bảo đảm. Vừa rồi xóm chấm điểm nhưng không được hộ nghèo. Nay cháu Nguyệt bị trâu húc nên xã đưa vào diện bảo trợ xã hội”, ông Lâm nói.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Gửi trực tiếp: Ông Đinh Hữu Nghị (ông nội của Nguyệt), xóm 6, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. SĐT: 0348014845.

Tác giả: Thiện Lương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP