Tại hội thảo bàn về Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên diễn ra ngày 13/12, nhiều ý kiến cho rằng chính sách cấp bù sư phạm giúp tuyển chọn được đội ngũ giáo viên có chất lượng. Việc miễn học phí chỉ giải quyết ở phần ngọn, cái chính là cần cân đối giữa chất lượng đầu vào, chính sách giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, đặc biệt thu nhập của giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Thám, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng nếu bỏ ngay chính sách miễn học phí thì các trường đào tạo sư phạm khó tuyển sinh |
PGS.TS Nguyễn Thám, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phân tích rằng nếu ngay từ bây giờ, bỏ hẳn chính sách cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm sẽ rất khó khăn. Ông Thám cho rằng, “trước đây sinh viên học ngành sư phạm được 15% trên cấp bù sư phạm nhưng 2 năm trở lại đây thì chỉ còn 8%. Đặc biệt, việc cấp bù sư phạm tác động đến việc tuyển sinh và chất lượng đào tạo giáo viên. Từ năm 1997-1998, tôi cho rằng việc cấp bù sư phạm tức chính sách miễn giảm cho sinh viên sư phạm đã có tác động tích cực cho việc nâng cao chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo giáo viên. Theo thống kê của chúng tôi, khoảng 70-80% sinh viên học trường sư phạm là con em ở vùng nông thôn, miền núi và có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường sư phạm những năm gần đây, nếu sang năm sau bỏ việc miễn học phí thì chắc các trường chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu là cao”.
Trong khi đó, TS Trần Lương và nhóm nghiên cứu đến từ khoa Sư Phạm, ĐH Cần Thơ đã chia sẻ kết quả khá thú vị khi nghiên cứu về những yếu tố tác động đến việc chọn ngành sư phạm của sinh viên. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 50% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí. Ông Lương cho rằng, nếu học ngành sư phạm mà phải đóng học phí thì hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học. Đồng thời, hơn 20% sinh viên cũng lưỡng lự có nên học nữa hay không và chỉ có khoảng 22% khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành sư phạm. Như vậy, nếu chính sách miễn học phí thay đổi sẽ làm giảm số lượng sinh viên theo học các ngành sư phạm.
Trong khi đó, bà Đồng Anh Đào, Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết vẫn ủng hộ việc duy trì chính sách cấp bù bởi trong 20 năm qua có rất nhiều học sinh giỏi, khá “đầu quân” vào các trường sư phạm. “Có năm để vào được ngành sư phạm toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thí sinh phải đạt 27-28 điểm cho 3 môn thi; hoặc sinh viên khoa tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM phải đạt 8-8,5 điểm cho môn tiếng Anh. Đó là một tiềm năng rất lớn cho đội ngũ sinh viên sư phạm có chất lượng. Trước đây khi bản thân tôi học đại học sư phạm nhưng hoàn cảnh khó khăn nếu không nhờ chính sách miễn học phí thì tôi cũng không thể theo học và gắn bó với nghề”, bà Đào nêu quan điểm.
TS Trần Lương cho biết theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trường ĐH Cần Thơ, hơn 50% sinh viên chọn học sư phạm vị được miễn học phí |
Đồng quan điểm đó, ông Đoàn Văn Điều, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM cũng cho rằng nhờ việc miễn học phí mà nhiều con em nhà nghèo học giỏi được tạo cơ hội vào đại học. “Nếu chúng ta duy trì tiếp tục thì sẽ có những người thầy dạy Toán giỏi, tạo cơ sở cho những học sinh phổ thông giỏi để họ đi vào những ngành tốt. Thay vì các em nghèo ở nhà nghỉ học, thì giờ các em đi học được trở thành những giáo viên giỏi...”, ông Điều nói.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, nhóm nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục Đại học thì cho rằng khi mức học phí tăng lên thì chính sách miễn học phí ngành sư phạm sẽ tác động rất lớn đến người học.
“Với mức học phí có thể tăng lên như vậy thì chính sách miễn học phí sẽ có tác động rất lớn. Nếu như muốn học ở các trường tốt hoặc muốn học các trường theo nhu cầu của mình, thì lúc đó những sinh viên nghèo không có điều kiện. Vậy chính sách miễn học phí sẽ thúc đẩy và thu hút sinh viên đến với trường sư phạm nhiều hơn. Theo chúng tôi hình dung, có lẽ trong thời gian tới khi mà mức học phí các trường đều tăng mạnh, sinh viên sẽ vào sư phạm nhờ chính sách miễn học phí này rất lớn”, bà Lan Anh nhận định.
PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM 4 năm gần đây số lượng sinh viên ở khu vực nông thôn vào trường sư phạm giảm sút mạnh, không còn như xưa. Đây là một thay đổi đột xuất và chưa lý giải được. Do đó, ông Hồng co rằng có lí do để cho rằng học phí không phải là vấn đề quyết định chuyện sinh viên có vào ngành sư phạm hay không mà còn hàng loạt chính sách khác nữa. Cần thiết nhất chính là phải làm sao thu hút người giỏi theo nghề giáo chứ không phải làm sao đủ số lượng. Điều đó đòi hỏi các chính sách phải đồng bộ trong việc tuyển dụng, đãi ngộ, phân công công tác…cho ngành sư phạm.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí