PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ nhiều quan ngại khi phân tích những mặt thiệt – hơn từ việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) được cho nhiều ưu đãi ở mức kịch trần.
Xét về kinh tế học: Khó hiểu
PV: – Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) được Chính phủ cho nhiều ưu đãi ở mức rất cao Formosa,ưu đãi kịch trần: miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định… Ông bình luận như thế nào về những ưu đãi cho một doanh nghiệp sản xuất thép có vốn đầu tư nước ngoài trong khi sản phẩm thép thời gian qua tồn kho, bất động sản đóng băng, kinh tế suy giảm và nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: – Nếu xét về kinh tế học thì đây là vấn đề vừa khó hiểu vừa….dễ hiểu. Dễ hiểu ở chỗ một nền kinh tế thị trường mà có sự ưu đãi quá lớn cho một doanh nghiệp như thế sẽ gây ra sự phiền toái trong cuộc cạnh tranh bình đẳng của nền kinh tế.
Khó hiểu là bởi vì không biết vì lý do gì lại ưu đãi quá mức cho một doanh nghiệp vốn đã có đầy đủ sức mạnh như FDI? Còn với mục đích gì thì chỉ có người trong cuộc mới biết rõ được.
Nếu cách đây khoảng hai thập kỷ thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất cần cho sự lan tỏa của nền công nghiệp trong nước. Khi đó chúng ta mong muốn những công nghệ hiện đại của thế giới, vốn đầu tư thông qua các dự án này sẽ vào Việt Nam. Và nếu có ưu đãi người ta sẽ hiểu rằng ưu đãi là để lôi kéo những thứ đó.
Nhưng đến ngày nay cuộc chơi đã bắt đầu bình đẳng rồi mà vẫn còn ưu đãi như vậy thì những người làm kinh tế sẽ thấy có vấn đề ở đây. Bởi rõ ràng có những thứ không hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường, nhất là khi đây là lĩnh vực không có sức lan tỏa lớn, không quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
PV: – Xin ông phân tích kỹ hơn cái gọi là không hợp quy luật phát triển ở đây. Hiện công nghiệp thép Việt Nam, Formosa cũng như những nhà máy thép khác chỉ là cán thép chứ không có luyện kim, tức là tất cả đều như nhau, sao chỉ có Formosa được ưu đãi nhiều như vậy? Việc ưu đãi này liệu sẽ ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước như thế nào, theo ông?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: – Ở đây qua những gì chúng ta thấy dự án chỉ đơn giản nhằm vào việc thu lợi nhuận thì những sự khuyến khích, tác động từ phía Việt Nam đưa ra càng nhiều có nghĩa các DN sản xuất thép tại Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn trong cạnh tranh. Họ không được bình đẳng với nhau.
Chúng ta mong muốn tạo ra một sự thay đổi về phương thức sản xuất thì không có khi nhìn vào dự án này, hay tạo ra một cấu trúc kinh tế giữa các doanh nghiệp cũng không đạt yêu cầu.
Cho nên có một điều dễ nhìn thấy đó là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh. Khi sản xuất đã đạt đến mức cung vượt cầu, thị trường báo hiệu không thể tiêu thụ được sản phẩm thì về nguyên tắc phải giảm cung.
Nhưng ở đây lại ưu ái để sản phẩm thép nhiều lên và dự án được những phúc lợi ưu đãi tức là đang đi trái quy luật rất nặng nề.
Các dự án FDI vào Việt Nam không phải chỉ đem một lượng vốn, cái quan trọng hơn thông qua các dự án này để đưa tiến bộ sản xuất nước ngoài vào Việt Nam với phương thức sản xuất hiện đại để tạo ra sự lan tỏa hiện đại hóa nền kinh tế. Điều này cá nhân tôi chưa nhìn thấy khi tìm hiểu dự án.
Trong khi đó khi lựa chọn những ngành ưu tiên hay trọng điểm hoặc mũi nhọn thì ngành đó phải có độ lan tỏa về kinh tế cao, sử dụng năng lượng ít và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm cao. Song với việc sản xuất thép đứng trong toàn bộ nền kinh tế đều không đáp ứng những tiêu chí này, thậm chí còn ngược lại.
Và một điều chắc chắn là các doanh nghiệp sản xuất thép khác trong nước sẽ bị tiêu diệt. Tức là có thể bóp chết các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam. Khi đó chính sách ưu đãi này sẽ không đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế chung.
Dự án đang được gấp rút triển khai để chuẩn bị cho mẻ thép đầu tiên ra lò vào tháng 5/2015. |
Đẩy nền kinh tế vào chỗ bế tắc hơn
PV: – Nếu cho rằng ưu đãi để đưa tiến bộ công nghệ vào Việt Nam thì dự án này đa số là công nghệ Trung Quốc không phải là cái ngành thép Việt Nam có thể học hỏi. Theo ông hệ quả của việc thu nhận dự án thép cùng với những ưu đãi quá lớn mà Việt Nam có thể hứng chịu là gì?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: – Ở đây đang diễn ra một sự không bình thường và thực sự sẽ đẩy nền kinh tế của chúng ta đi vào chỗ bế tắc hơn. Có sự không phù hợp với quy luật phát triển kinh tế chung.
Hy vọng tăng vốn, thay đổi phương thức sản xuất cải tổ nền kinh tế đã không đáp ứng yêu cầu mà lại dùng công nghệ của Trung Quốc – vốn dĩ không được chào đón bởi đang có nhiều ý kiến về sự gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng. Ngoài ra ngành này sử dụng nhiều năng lượng và hàm lượng giá trị gia tăng không cao. Cho nên việc ưu đãi này sẽ dẫn đến nguy cơ phản tác dụng.
Nếu quan tâm thông tin chúng ta có thể dễ dàng thấy Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đang giảm các ngành gây ô nhiễm môi trường, trong đó có xi măng và thép.
Cơ quan này của Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương cắt giảm 28,7 triệu tấn công suất sản xuất thép và dự kiến năm 2014 sẽ giảm thêm 19 triệu tấn công suất luyện sắt.
Trái lại với điều này thì Việt Nam lại đón nhận và ưu đãi. Khỏi cần phải nói thêm chúng ta cũng có thể nhìn ra hệ quả của nó.
PV: –Vị trí Formosa đặt dự án được cho là trọng yếu và nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét về yếu tố quốc phòng, an ninh. Trong khi nhà đầu tư từng xin biến nơi này thành đặc khu kinh tế nhưng đã không được đồng ý. Ông bình luận gì về điều này?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: – Về mặt kinh tế đã không phù hợp, vấn đề nhạy cảm an ninh quốc gia phải đưa lên hàng đầu. Do vậy tôi cho rằng lúc này hệ số an toàn phải được lưu ý, nhất là thời gian qua khi xảy ra vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh.
Những quan hệ đối ngoại thời gian qua khiến những người có trách nhiệm cần nhìn nhận lại mục đích lựa chọn và cân nhắc những biện pháp cảnh giác. Thà rằng có lợi ích về kinh tế thì còn có lý để mạo hiểm khi quyết định một dự án nào đó, nhưng ở đây chúng ta chưa nhìn ra lợi ích đó.
Vì vậy một lần nữa tôi cho rằng cần nhìn nhận và đề cao tính an toàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)