Theo báo cáo hàng ngày của lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam, thì với sự áp đảo về số lượng tàu thuyền, các lực lượng tàu hải cảnh và ngư chính của Trung Quốc đã liên tục đâm va vào các tàu của lực lượngCảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam ở khu vực xung quanh giàn khoan Haiyang Shiyou 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.
Tàu Trung Quốc đã liên tục đâm va vào các tàu của lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam.
Mỗi khi các tàu kiểm ngư gặp nhau, điều đầu tiên là quan sát và đánh giá hộ tàu bạn những thiệt hại sau khi bị đâm va.
Trong hình ảnh là một vết đâm, vết rách lớn.
Vết rách này là kết quả của một cú đâm vuông góc và ở tốc độ cao, nhưng điều đó chưa phải là nguy hiểm nhất. Nếu bị xịt nước vào cabin chỉ huy hay ống khói thì tàu có thể mất kiểm soát hoàn toàn.
Trên thực địa, các tàu của ta phải bịt kín hai vị trí này, vật liệu thường là những tấm đệm giường ngủ.
Khi phát hiện ra tàu Việt Nam vào gần khu vực giàn khoan, phía Trung Quốc sẽ cử tàu tiến thẳng về phía ta, bật vòi phun nước có thể vươn xa tới 100 m. Nếu việc phun nước không làm tàu Việt Nam đổi hướng, thì ngay lập tức sẽ là một cú đâm.
Thuyền trưởng Đinh Hữu Đoan – Tàu kiểm ngư KN – 767: “Trên màn hình ra đa, quan sát bằng mắt thường chúng ta có thể thấy giàn khoan Haiyang Shiyou 981 nằm cách vị trí của tàu khoảng 8 hải lý, và xung quanh có rất nhiều tàu hải cảnh, hải giám, bên trong gần giàn khoan là các tàu kéo, tàu hàng của Trung Quốc”.
Trên màn hình ra đa, chúng ta có thể thấy rất rõ số lượng tàu Trung Quốc dày đặc quanh khu vực giàn khoan trái phép.
“Với mật độ tàu dày đặc này, có thể đánh giá Trung Quốc đã có sự chuẩn bị rất lớn về lực lượng phương tiện bảo vệ giàn khoan từ lớp bên trong đến lớp bên ngoài.
Trong hình ảnh là những tấm đệm va ở mũi của tàu hải cảnh Trung Quốc, nó mắc lại trên tàu Việt Nam sau một cú đâm.
Đây là một bằng chứng nữa về những căng thẳng do Trung Quốc đang cố tình tạo ra trên biển.
Mỗi ngày trên vùng biển này là một ngày đấu tranh không ngừng nghỉ của các tàu chấp pháp, cũng như của ngư dân Việt Nam.
Mai Nguyên (Theo Thời sự VTV)