Giáo dục

Bí thư Hoàng Trung Hải: "Tự chủ đại học là bước đi dũng cảm"

Sáng 23/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải đã có buổi thăm và làm việc với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về kết quả hoạt động năm 2017, đồng thời lắng nghe vào trao đổi các đề xuất của trường về công tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và cơ sở vật chất.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động năm 2017 của trường

Theo đó, năm 2017 là năm đầu tiên trường thực hiện tự chủ toàn diện và đã đạt được những kết quả đáng kể trên tất cả các mảng hoạt động.

Tháng 6/2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong trường đại học đầu tiên của cả nước được công nhận đạt kiểm định trường theo tiêu chuẩn châu Âu bởi Hội đồng đánh giá cấp cao HCERES của Pháp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc học tiếp sau đại học sau 6 tháng là 95% - theo khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2016. 7 chương trình đạt kiểm định theo chuẩn khu vực ĐNA (AUN-QA). Quy mô đào tạo tiến sĩ của trường được duy trì tốt, tỉ lệ thành công được cải thiện đáng kể (trên 60%), chất lượng ngày càng được nâng cao (trung bình mỗi NCS có 4-5 bài báo, trong đó trung bình 1 bài ISI/Scopus, có một số đơn vị yêu cầu ít nhất 2 bài ISI).

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cũng khẳng định, một trong những định hướng phát triển của trường là đổi mới quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp, tôn trọng cơ chế thị trường nhưng không thương mại hóa. Một trong những kết quả chính mà trường đã đạt được trong công tác đổi mới tổ chức và quản trị là tăng cường vai trò của hội đồng trường trong quản trị nhà trường, đặc biệt thông qua việc chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch phát triển trường.

Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải tham quan Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) tại Thư viện Tạ Quang Bửu.

Ở một số đơn vị, trường thí điểm thực hiện trả lương 2 theo vị trí việc làm và kết quả hoàn thành công việc. Mức thu nhập trung bình là 162 triệu đồng/ cán bộ/ năm – tăng 6 triệu so với năm 2016. Nguồn thu của trường chủ yếu từ học phí, tăng 20 tỷ so với năm 2016, tuy nhiên không còn ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên nên tổng nguồn thu giảm khoảng 48 tỷ. Phần chi của trường tăng mạnh, chủ yếu tập trung sửa chữa, nâng cấp các phòng học, phòng thí nghiệm phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo; một phần tăng chi lương cơ bản.

Nói về những khó khăn, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết, hệ thống tổ chức, quản lý còn khá cồng kềnh: số đầu mối đơn vị cấp 2 quá nhiều (hơn 60 đơn vị); vai trò của một số đơn vị còn chồng chéo; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành còn chậm tiến so với các trường đại học khác trong nước.

“Việc quản lý sử dụng cán bộ của trường hiện còn khá nhiều bất cập, nguyên nhân chính từ việc phân quyền quản lý cán bộ giữa Bộ Nội vụ, Bộ chủ quản và nhà trường chưa phù hợp với cơ chế tự chủ” – Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn nêu.

Ông cũng cho biết, thu nhập của cán bộ còn thấp, gây khó khăn trong việc thu hút những cán bộ giỏi vì sự cạnh tranh mạnh từ các trường đại học trong và ngoài nước, và từ cả các doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đa số giảng viên phải dành nhiều thời gian cho giảng dạy và làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập, ít thời gian cho nghiên cứu.

Tham quan không gian khởi nghiệp BKHUP đặt trong khuôn viên ĐH Bách khoa Hà Nội Một trong những vấn đề được ông Sơn đưa ra và đề xuất với Bí thư Thành ủy Hà Nội là vấn đề đất đai, cơ sở vật chất của nhà trường.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, diện tích khuôn viên 26,5 ha hiện nay khá hẹp, các khu đất phân tán, chia cắt manh mún, khó quản lý. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp muốn hợp tác đầu tư nhưng không có đất để triển khai. Vì thế, trường kiến nghị thành phố ủng hộ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất của khuôn viên trường hiện nay để xây dựng khuôn viên 2. Dự kiến chuyển đổi 7,5 ha nằm phía tây đường Tạ Quang Bửu thành khu đất ở với một số nhà cao tầng để có kinh phí xây dựng khuôn viên 2 (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng).

Mục đích sử dụng khuôn viên 2 bao gồm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đại học (quy mô 25.000-30.000 sinh viên), thư viện, khu xưởng thực hành, chế tạo thử; khu ký túc xá, sân vận động - nhà thi đấu, các cơ sở hạ tầng khác (đạt mục tiêu giảm tải về giao thông, dân số cho thành phố).

Trường sẽ tiếp tục giữ khuôn viên chính với truyền thống 60 năm, tổng diện tích 18 ha làm trụ sở chính, quy hoạch và phát triển thành một trung tâm nghiên cứu và sáng tạo công nghệ, gắn kết với đào tạo sau đại học theo định hướng quốc tế hóa, thu hút các tập đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước tới đầu tư hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.

Trường cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân ở trái phép, lấy lại diện tích khu đất đang bị lấn chiếm; đồng thời hỗ trợ trường tiếp tục thu hồi các khu đất khác để đưa vào xây dựng các công trình phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Ngoài ra, ĐH Bách khoa mong muốn thành phố Hà Nội xây dựng một trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho ĐH Bách khoa cùng nhiều trường ĐH khác được đóng góp vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Thủ đô.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn cũng kiến nghị đến ông Hoàng Trung Hải với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị về một số đường lối, chính sách với giáo dục đại học (GDĐH).

Cụ thể, thay đổi chính sách tài chính cho GDĐH, thực hiện tự chủ tài chính với hầu hết cơ sở GDĐH đồng thời với tập trung xây dựng một số trường đại học định hướng nghiên cứu ngang tầm khu vực.

Trong kiến nghị khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo tại các trường đại học công lập khi thực hiện tự chủ đại học, ông Sơn đề xuất Nhà nước nên có quy định các nhà sử dụng lao động phải có trách nhiệm chia sẻ một phần kinh phí đào tạo, ví dụ thông qua cơ chế trả một khoản phí nhất định cho trường đại học khi tuyển dụng thành công một sinh viên tốt nghiệp từ trường đó.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải - cũng là một cựu sinh viên Bách khoa nói: “Định hướng tự chủ từ năm 2011 và tự chủ hoàn toàn từ năm 2017 của nhà trường, ông cho rằng đây là một bước đi dũng cảm và đáng khâm phục của các cán bộ, giảng viên ĐH Bách khoa, kể cả xác định giai đoạn trước mắt phải "thắt lưng buộc bụng" để rộng đường phát triển hơn trong tương lai.

Với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, ông bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình và sẽ có những kiến nghị với Trung ương nhằm thay đổi chính sách tài chính cho GDĐH, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo tại các trường ĐH công lập.

Trước các đề xuất điều chỉnh mục đích sử dụng đất, Bí thư Thành ủy đồng tình và đề nghị trường lập dự án đầu tư, có quy hoạch chi tiết kèm các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội để có căn cứ và cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp trường hoàn thiện quy hoạch, có những bước phát triển đúng hướng và mạnh mẽ trong tương lai.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP