Theo bà Phạm Thị Thanh (mẹ ruột anh Dũng), Công ty Đồng Hiệp Phát có hứa ngày 30-6 sẽ đến gia đình thương lượng bồi thường. Tuy nhiên, trước đó họ đã thất hứa nhiều lần rồi nên gia đình không tin. “Do vậy, chúng tôi khiêng Dũng đến đề nghị công ty giải quyết dứt điểm. Nhưng đến nơi họ vẫn làm lơ, thậm chí họ còn cho người ra chửi bới và đe dọa chúng tôi” – bà Thanh bức xúc.Chiều 29-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện cho Công ty TNHH Đồng Hiệp Phát nói: “Sự việc xảy ra chúng tôi cũng không muốn. Chúng tôi sẽ bồi thường toàn bộ số tiền cho gia đình anh Dũng theo bản án của tòa. Tuy nhiên, hiện công ty gặp khó khăn nên sẽ chuyển tiền cho gia đình anh Dũng làm nhiều đợt. Ngày 30-6, chúng tôi sẽ đến gia đình anh Dũng để thỏa thuận về vấn đề này”.

Ngày 29-6, người nhà lại khiêng anh Dũng ra để ở trụ sở Công ty Đồng Hiệp Phát đòi tiền bồi thường. Ảnh: TIẾN DŨNG

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa, cho biết cơ quan này sẽ thụ lý đơn của người dân và hướng dẫn sẽ để Công ty Đồng Hiệp Phát trả tiền bồi thường. Trường hợp công ty không chấp hành sẽ quyết định tiến hành cưỡng chế để thi hành bản án của tòa.

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, ngày 26-6, gia đình đã khiêng anh Dũng đến để trước xưởng sản xuất của Công ty Đồng Hiệp Phát tại phường Tam Hòa, TP Biên Hòa để đòi bồi thường nhưng không được giải quyết. Theo bà Thanh, anh Dũng làm việc tại Công ty Đồng Hiệp Phát từ giữa tháng 5-2012. Đến ngày 5-6-2012, trong lúc làm việc anh Dũng bị tai nạn lao động với tỉ lệ thương tật đến 85%. Vụ tai nạn làm anh Dũng mất năng lực nhận thức và năng lực hành vi, mọi việc đều phải cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Tuy nhiên, Công ty Đồng Hiệp Phát không đồng ý bồi thường vì công ty chưa ký hợp đồng lao động với anh Dũng. Cuối tháng 3-2015, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm tuyên buộc Công ty Đồng Hiệp Phát bồi thường cho anh Dũng hơn 464 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay gia đình anh Dũng mới nhận được khoảng 70 triệu đồng. Gia đình anh Dũng cũng đã đề nghị thi hành án nhưng cơ quan này yêu cầu bổ sung nhiều giấy tờ và đến nay vẫn chưa giải quyết.

TIẾN DŨNG/PLO