Tin trong nước

Bí mật sau cổng trại giam số 3 và những sự thật chấn động

Sáu tháng điều tra, gặp gỡ các nhân chứng, thu thập chứng cứ, hành trình của phóng viên mãi mãi sẽ là bí mật nếu bài báo không được đăng tải và những bức ảnh không được sử dụng trong một phiên tòa chấn động dư luận.

>> Kinh hoàng hình ảnh phạm nhân “đâm” heroin trong trại giam

Từ TP.Vinh phải đi tiếp quãng đường hơn 100 km lên thị trấn Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), chúng tôi mới tìm gặp được tác giả của bài điều tra không được công bố về tình trạng sử dụng ma túy trong trại giam từ hơn hai năm trước. Bất ngờ là phóng viên năm xưa đã chia tay nghề báo, chuyển sang kinh doanh tại thị trấn quê nhà.

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được anh chia sẻ quá trình điều tra nguy hiểm và số phận hẩm hiu của bài viết một thời. Ở số báo trước (ra ngày 24/6/2014), Báo PLVN đã giới thiệu bài viết trên đến bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi xin ghi lại hành trình tác nghiệp của anh.
Bán ma túy trong buồng giam
Bán ma túy trong buồng giam

Chuyện của người mẹ đi nhờ xe

Thông tin về việc sử dụng ma túy trong trại giam bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tác giả bài viết với một người nhà phạm nhân. “Qua Tết Nguyên đán năm 2011, hôm đó trên đường đi từ Tân Kỳ về Vinh công tác, tôi gặp một người phụ nữ với dáng vẻ lam lũ đứng bên đường xin đi nhờ xe. Và câu chuyện chị ta kể đã đưa tôi đến với phóng sự này” – anh kể.

Qua câu chuyện được biết, người phụ nữ ở TP.Vinh đi thăm gặp con trai đang thi hành án ở Trại giam số 3 trở về. Khi những e ngại ban đầu nhường chỗ cho sự cảm thông hoàn cảnh, người phụ nữ có vẻ cởi mở hơn, tâm sự: “Khổ lắm chú ạ, không biết trong tù nó làm gì mà tiêu tiền ác lắm. Điện thoại về nhà réo xin tiền liên tục. Nghe mấy người cũng đi thăm tù nói, xin tiền kiểu đó chỉ có để mua heroin thôi. Tôi lo cho nó lắm…”.

Chị này còn kể nhiều việc liên quan đến cải tạo con người ở Trại giam số 3 nữa. Câu chuyện và ánh mắt của người phụ nữ đi nhờ xe cứ ám ảnh tâm trí phóng viên. Nó thôi thúc anh phải bằng mọi giá điều tra tìm hiểu, đưa sự việc ra công luận, với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, trả lại sự trong sạch theo đúng nghĩa cải tạo con người cho nơi đặc biệt này.

Qua cổng trại giam

Mấy ngày sau, anh đã đến Trại giam số 3, tìm cách tiếp cận nhà thăm gặp của trại giam với hy vọng tiếp xúc được với gia đình phạm nhân để nắm thêm tình hình và tính xác thực của câu chuyện. Nhưng nhà thăm gặp nằm trong hàng rào cao gần 5m, phía trên có mấy vòng thép gai, duy nhất có một cửa ra vào được canh gác suốt 24h.

Muốn qua cổng gác bắt buộc phải xuất trình Sổ thăm gặp và có đơn xác nhận của chính quyền địa phương. Phóng viên đã phải vận dụng tất cả các mối quan hệ, tìm và làm quen các thân nhân có con, em đang cải tạo tại Trại giam nhờ giúp đỡ để có cơ hội vào trại.

Tìm được người có con em đang cải tạo nơi đây đã rất khó, còn phải trình bày như thế nào để họ giúp mà không bị lộ thông tin, kế hoạch điều tra vụ việc ra ngoài còn khó hơn. Bởi khi con em của mình đang còn thụ án, việc giúp nhà báo tìm hiểu các bí mật phía bên trong bốn bức tường cao đó là điều ai cũng phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, anh đã được một người tên M đồng ý cho đi cùng để thăm người nhà tên B, đang cải tạo ở trại giam này. Khi ngồi chờ B được đưa ra, anh đã chú ý lắng nghe hết các cuộc trao đổi giữa người nhà với phạm nhân. Hầu hết các phạm nhân đều xin tiền, và người nhà đều chất vấn con em họ rằng: “Tiêu gì trong đó mà nhiều tiền thế…?”.

Lân la ở nhà thăm gặp, tranh thủ tiếp cận và hỏi chuyện một số phạm nhân tự giác (phạm nhân đi làm việc không bị canh gác) đang làm công việc phục vụ nơi đây, phóng viên nắm thêm nhiều thông tin khác. Vậy là đã rõ, có đủ cơ sở ban đầu để khẳng định rằng: Tình trạng phạm nhân sử dụng ma túy trong trại giam này là có thật.

Nhưng làm thế nào để có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật này? Mọi hoạt động của Trại giam đều nằm trong những bức tường cách biệt với xã hội. Việc ra vào của bất kỳ ai đều bị kiểm soát rất gắt gao. Người còn không vào được thì làm sao để có được các chứng cứ?!

Để có những bức ảnh này, phóng viên đã phải mất nửa năm điều tra
Để có những bức ảnh này, phóng viên đã phải mất nửa năm điều tra

Lọt vào “tầm ngắm” của công an

Trong những ngày bế tắc đó, phóng viên nhiều lần xuất hiện xung quanh khu vực Trại giam để tìm kiếm thêm thông tin. Tình cờ cũng thời gian này, Công an huyện Tân Kỳ đang theo dõi, điều tra một vụ mua bán ma túy ở xã Nghĩa Dũng (Trại giam số 3 đóng ở xã này).

Anh nhớ lại, có lần đang đi xe máy trên đường làng thì bất ngờ xuất hiện tổ Công an chặn xe lại kiểm tra giấy tờ và khám xét. Một lần khác đang ngồi uống nước, anh bị một thanh niên vô cớ đến gây sự, dẫn đến cả hai bị công an đưa về trụ sở giải quyết. Sau này khá lâu anh mới biết tất cả những lần tình cờ đó hoàn toàn không phải là… vô cớ. Chính vì sự xuất hiện liên tục tại đây đã khiến phóng viên bị lọt vào “tầm ngắm” của Công an huyện.

Trong quá trình điều tra tình trạng ma túy trong trại giam này, anh biết mình đang đối đầu với ai, và hậu quả sẽ ra sao nếu việc điều tra bị phát giác. Những phạm nhân mua bán ma túy trong trại giam hiểu rất rõ: Nếu hành vi phạm pháp bị lộ sẽ chịu thêm một bản án mới với mức án không “rẻ” cộng thêm vào án cũ. Trong khi đó, những đối tượng này có đủ điều kiện sai khiến các thế lực bên ngoài xã hội, cũng như đủ độ tàn bạo để tiến hành trả thù và thậm chí “thanh toán” gã phóng viên đã “nhúng mũi” vào việc của mình.

Hơn nữa, việc thu thập chứng cứ quá khó và có thể là không tưởng. Anh không thể có điều kiện để tiếp xúc được với các đối tượng sau song sắt, không thể thực hiện được các biện pháp tác nghiệp thông thường. Chính vì những điều trên đã làm cho phóng viên nản lòng và có lúc run sợ. Nhưng tiếng thở dài thõng thượt của người phụ nữ đi nhờ xe, những ánh mắt lo lắng của các bà mẹ đối với ngày trở về của con mình mà anh đã bắt gặp ở nhà thăm gặp làm cho anh không thể không cố gắng để vượt qua.

Đi tìm nhân chứng

Anh tìm xuống TP.Vinh và các vùng phụ cận, làm mọi cách để có thể làm quen, tiếp cận với những người đã có thời gian cải tạo ở Trại giam số 3 đã hết án trở về. Sau gần một tháng lang thang, anh đã gặp được một “cựu tù Trại 3” có tên là L.T.

Khổ nỗi, nhân vật này lúc đó đang nghiện nặng. Sau nhiều lần tiếp cận làm quen, L.T đã kể hết cho anh nghe tình trạng buôn bán, sử dụng heroin trong Trại giam số 3. Không những thế, chính anh ta là người từng buôn bán “hàng” trong thời gian cải tạo ở đó. Các mánh khóe giấu, vận chuyển “hàng” và thanh toán tiền như thế nào được anh ta kể ra hết… trong tình trạng đang … “phê” thuốc.

Chắp nối các câu chuyện mà L.T đã kể kết hợp với những thông tin thu thập được, phóng viên đã cơ bản dựng lên được tên tuổi các trùm mua bán heroin trong trại, đại lý bán lẻ và “ngân hàng đen” đảm trách việc chuyển tiền trong Trại giam số 3.

Anh tiếp tục liên lạc với một phạm nhân khác tên H đang cải tạo ở K1, Trại giam số 3. Người này nguyên là lái xe khách, bị xử phạt 4 năm tù giam với tội danh “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông”. H không hề nghiện heroin và chỉ còn mấy tháng nữa là mãn hạn án phạt tù trở về xã hội.

Phóng viên lại phải thực hiện một chuyến thăm gặp người nhà nữa trong Trại giam. Qua buổi gặp gỡ, phạm nhân H đã đồng ý giúp đỡ phóng viên thu thập các chứng cứ. Do trong trại giam có nhiều buồng nên phóng viên đã nhờ H tìm kiếm thêm ba phạm nhân khác ở các buồng giam khác nhau nữa.

Tại sao các phạm nhân lại đồng ý giúp phóng viên khi bản thân họ có thể bị nguy hiểm bởi việc thu thập chứng cứ? Anh nói: “Khi tiếp xúc với môi trường này, tôi mới biết vẫn còn những phạm nhân có lương tâm, ví dụ như H. Tuy nhiên với ba phạm nhân kia thì tôi phải mất một số tiền không nhỏ để “mua” được những bức ảnh đắt giá đó”.

Theo Phương Thành
Pháp luật Việt Nam
 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP