Ngày 22-8, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Lại Văn Hoài (SN 1983, quê Vĩnh Long) về tội "Giết người".
Lại Văn Hoài được xác định là kẻ chủ mưu, ra lệnh cho 11 đồng phạm tra tấn, dùng chai thủy tinh, nước đá buộc khăn đánh anh Trần Văn Hóa (SN 1982, quê Long An, là người có HIV) đến chết.
Màn tra tấn "chào sân" man rợ
Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX TAND TP HCM tuyên phạt Lại Văn Hoài mức án tử hình, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Liên quan đến vụ án, 2 đàn em của Hoài bị đề nghị tù chung thân và 9 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 8 năm tù đến 20 năm tù giam.
Chân dung "đại bàng" Lại Văn Hoài |
Theo cáo trạng, anh Trần Văn Hóa bị Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) bắt về hành vi trộm cắp tài sản. Anh Hóa được đưa đến buồng giam A4 của Nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh. Đây là nơi Lại Văn Hoài được phong làm trưởng buồng.
Hoài tự đặt ra những "luật ngầm" trong sinh hoạt hằng ngày như những gì Hoài cho phép thì mới làm, nếu không cho phép mà tự ý làm thì sẽ bị đánh bầm dập. Điển hình là nhiều người vi phạm "luật ngầm" đã bị Hoài nhận đầu vào bồn nước.
Ngoài ra những người phạm tội mới khi được đưa vào buồng sẽ "chào sân" bằng cách bị đá vào ngực từ 3 đến 9 cái. Do anh Hóa có HIV nên không bị đánh và Hoài cho nợ, nếu vi phạm sẽ bị đánh gấp đôi.
Chiều 19-1-2013, anh Hóa trong lúc tắm đã nhúng tay dính xà bông vào bồn nước thì bị Hoài phát hiện. Sau khi cán bộ quản giáo điểm danh xong, Hoài ra lệnh cho đàn em lần lượt đánh anh Hoá.
Hoài thấy anh Hóa bị chảy máu mắt nên kêu lôi ra ngoài tiếp tục đánh. Các bị cáo để anh Hóa nằm ngửa rồi lấy giẻ cột nạn nhân lại rồi tiếp tục tra tấn.
Chưa dừng lại băng đại bàng này còn dùng chai nước ngọt bằng thủy tinh đánh vào đầu, dùng khăn bọc nước đá đánh vào người nạn nhân.
Đến giờ cơm, anh Hóa than mệt không ăn thì Hoài nói anh giả vờ nên ra lệnh cho đàn em đánh tiếp nhưng không ai đánh.
Anh Hóa mệt và thở dốc nên được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi đến bệnh viện.
Sau khi biết tin Hóa chết, Hoài yêu cầu đồng bọn khi được hỏi về vụ việc thì khai như sau: Hóa lên cơn nghiện ma túy nên các bị can xối nước để giúp Hóa cắt cơn. Không ngờ Hóa lại trúng gió rồi chết.
Làm gì cũng xin phép "đại bàng"
Đây là phiên tòa lần thứ 4 TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và tiếp tục phần xét hỏi. Trước đó, TAND TP HCM đã 3 lần đưa vụ án này ra xét xử và đều trả hồ sơ để làm rõ lời khai, vai trò của từng bị cáo cũng như trách nhiệm của quản giáo trong vụ việc.
Tại phiên tòa lần này, Lại Văn Hoài phủ nhận hành vi ra lệnh cho đàn em đánh phạm nhân Hoá. Hoài thừa nhận cái chết của anh Hóa có một phần trách nhiệm của mình, là trưởng buồng nhưng không can ngăn những người khác đánh Hoá.
Các bị cáo là đàn em của Lại Văn Hoài |
Tại sao anh Hóa bị đánh, ai ra lệnh đánh Hoá? Tòa thẩm vấn 10 bị cáo thì hết 9 bị cáo đều thừa nhận trước vành móng ngựa chính Lại Văn Hoài là người ra lệnh cho đàn em đánh Hoá.
Các lời khai cho thấy các bị cáo dùng giẻ cột tay, dùng chai thủy tinh đánh vào đầu, dùng khăn quấn nước đá đánh đập bị hại.
Hoài khai cán bộ nhà tạm giữ cho Hoài làm trưởng buồng nhưng HĐXX đã bác lời khai này vì không có cán bộ nào được quyền phân quyền lực cho một người đang bi tạm giam chờ xét xử, chỉ là do bị cáo tự phong cho mình để hà hiếp người khác.
Trong phần xét hỏi công khai, HĐXX đã thông tin Lại Văn Hoài là lớp "đại bàng" cuối cùng ở nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh. Trước đó, các đại bàng khác đã bị Công an TP HCM dập tắt khi manh nha đe dọa những phạm nhân mới.
Dự kiến 14 giờ ngày 23-8, TAND TP HCM sẽ tuyên án với băng nhóm này.
Đi vệ sinh cũng xin phép Các bị cáo khai rằng khi phạm tội thì vào buồng giam ai cũng thân cô thế cô. Tại đây Hoài làm "trùm" nên ai vào cũng phải khiếp sợ. Ban đầu vào phòng phải thông qua màn "chào sân" khủng khiếp nhất là bị đá vào ngực nhừ tử, ai chống sẽ bị tra tấn dã man hơn. Đàn em của Hoài thừa nhận trước vành móng ngựa là đi uống nước, đi vệ sinh cũng phải xin phép "anh Hoài". Anh Hoài cho làm mới được làm, anh Hoài giận là kêu người khác tra tấn khốc liệt nên ai nhìn vào cũng phải khiếp sợ. |
Tác giả: Phạm Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động