Bốn trong số sáu người Trung Quốc sống sót sau thảm họa Titanic (Ảnh: SCMP). |
Hơn 100 năm sau, cơ may sống sót và câu chuyện đời của họ phần nào được hé lộ qua bộ phim tài liệu mới nhất có tựa đề "The Six" (6 người). Bộ phim là câu chuyện về 6 hành khách sống sót người Trung Quốc trước khi họ biến mất một cách bí ẩn.
Siêu tàu Titanic, được đóng vào năm 1909 và hạ thủy năm 1912, và được mệnh danh là "con tàu không thể đánh chìm". Tuy nhiên, trên hành trình từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ), Titanic đâm vào một tảng băng trôi và chìm nghỉm vào ngày 15/4/1912. Và đây chính là chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó.
Hơn 1.500 người đã thiệt mạng, đánh dấu vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình. Thảm họa Titanic trở thành đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kỳ cũng như là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh. Một trong số đó là bộ phim bom tấn Titanic công chiếu năm 1997, với sự tham gia của cặp đôi diễn viên Leonardo DiCaprio và Kate Winslet.
Ông Steven Schwankert, một nhà sử học người Mỹ, vẫn nhớ như in một ngày ông xem bộ phim bom tấn Titanic tại rạp phim đông đúc, đầy khói ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
"Rạp chiếu phim hồi đó không ấn tượng, giống như xem một bộ phim trong phòng tập thể dục nhỏ bé của trường trung học. Âm thanh không rõ, hình ảnh hơi mất nét… Tất nhiên cũng không có bắp rang bơ", ông Schwankert nhớ lại. Nhưng đây là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại được công chiếu ở Trung Quốc.
Titanic đã chìm trong hành trình vượt biển đầu tiên vào tháng 4/1912 (Ảnh: DM). |
Ngoài tác phẩm điện ảnh kinh điển Titanic năm 1997 này, nhiều bộ phim tài liệu về thảm họa này đã ra đời. Ngày 16/4, Trung Quốc khởi chiếu bộ phim tài liệu mang tựa đề "The Six" (6 người) với nội dung là những câu chuyện chưa kể về những hành khách người Trung Quốc trên tàu Titanic, trong đó ông Schwankert là trưởng nhóm nghiên cứu đề tài này. "The Six" đã được lên kế hoạch phát hành vào thời điểm này năm ngoái, nhưng đại dịch Covid-19 phá hủy những kế hoạch đó.
"20 năm trước, nếu ai đó nói với tôi về việc sẽ phát hành một bộ phim tài liệu về những hành khách Trung Quốc trên tàu Titanic và bộ phim đang được công chiếu khắp Trung Quốc với sự hỗ trợ của đạo diễn nổi tiếng James Cameron, tôi sẽ nói họ bị điên", ông Schwankert nói. Nhưng bây giờ thì khác, đạo diễn Cameron (của bộ phim đình đám Titanic) là giám đốc sản xuất của "The Six". Ông Schwankert, hiện sinh sống ở Trung Quốc cho biết, việc công chiếu bộ phim tài liệu lần này có rất ý nghĩa.
Schwankert là nhà sử học hàng hải là chuyên gia nghiên cứu các vụ đắm tàu và là tác giả của cuốn sách mang tựa đề "Poseidon: China's Secret Salvage of Britain's Lost Submarine" (Tạm dịch: Tàu ngầm Poseidon: Cuộc trục vớt bí mật của Trung Quốc tàu ngầm mất tích của Anh) ra mắt năm 2013. Ông nói rằng, hơn 100 năm sau, câu chuyện về những hành khách Trung Quốc trên tàu Titanic rất đáng chú ý nhưng lại bị lãng quên. Câu chuyện về 6 con người này được cho là sẽ kích thích mối quan tâm của thế giới đối với con tàu định mệnh.
Tám người Trung Quốc có mặt trên tàu khi đó và có 6 người sống sót. Theo các nguồn tin, 8 người Trung Quốc này trên thực tế làm việc trên một tàu hàng thường xuyên chạy từ Trung Quốc đến châu Âu. Theo các thông tin, họ có mặt trên tàu Titanic để tìm "miền đất hứa" Mỹ. Họ đến New York 3 ngày sau đó trên tàu Carpathia, con tàu đầu tiên đến hiện trường thảm họa. Tuy nhiên, khi đến Mỹ, những người này không được phép nhập cảnh vì một đạo luật Liên bang Mỹ cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Vì vậy, trong vòng 24 giờ, những người này được chuyển lên một tàu hơi nước của Anh và bị đưa đến Cuba. Điều gì đã xảy ra sau đó là một câu chuyện bí ẩn.
Bộ phim tài liệu của đạo diễn Arthur Jones, người Anh, kéo dài 97 phút, lần theo dấu vết của 6 hành khách sống sót. Vấn đề đau đáu mà nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện ra - sau khi lần đầu tiên theo dõi thế hệ con cháu của những người này - là câu chuyện sống sót chật vật và ám ảnh khi họ phải đối mặt với chính sách phân biệt chủng tộc và chống nhập cư của Mỹ.
Ông Schwankert cho biết, tâm lý kỳ thị người châu Á vào năm 1912 tương đồng với nạn phân biệt và kỳ thị người gốc Á trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, và điều này cho thấy vấn đề lịch sử lại tái hiện. "Bộ phim nhắc nhở thực tế, chúng ta đã gặp vấn đề về chủng tộc hơn 100 năm trước và thật không may, ngày nay chúng ta vẫn đang đối mặt với chính những vấn đề này", ông nói.
Tác giả: Thanh Thành
Nguồn tin: Báo Dân Trí