Cai sữa con để trực chiến"
Tôi nối máy trò chuyện với chị vào cuối giờ trưa, lúc chị vừa ăn xong suất cơm hộp. Đã 16 ngày chị không được gặp con, khi tôi hỏi chuyện, như chạm vào nỗi niềm người mẹ, chị bật khóc trong điện thoại. Chị là điều dưỡng Phan Thị Hòa, là 1 trong số đội ngũ y, bác sỹ đang làm việc trong bệnh viện Quốc tế Cầu Treo (Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nơi đang điều trị cho 3 bệnh nhân dương tính Covid-19 của tỉnh này.
Ngày 21/3, thời điểm bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 146 - trường hợp đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh có kết quả dương tính Covid-19, cảm giác lo lắng, bất an là tâm lý chung của chị và tất cả các đồng nghiệp khi nhận nhiệm vụ bệnh viện tuyến đầu chữa trị Covid-19 của tỉnh. Giây phút đó chị bật khóc khi nghĩ đến 2 đứa con, 1 đứa 5 tuổi, đứa còn lại mới 17 tháng đang còn bú mẹ.
Nhưng, tâm lý đó chỉ thoáng qua rất nhanh, trách nhiệm của người thầy thuốc đã thôi thúc chị và các y bác sỹ đồng nghiệp gạt bỏ tất cả để chung ý chí quyết tâm chống dịch. Để có thể chung tay, chung sức với anh em điều trị bệnh nhân, chị Hòa quyết định cai sữa con.
Các y bác sỹ luôn phải mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính. |
“Tôi gọi điện về tâm sự với chồng, anh hiểu và ủng hộ quyết định của tôi. Những đêm đầu tiên, người thì đau vì cương sữa, trong lòng thì đau vì nhớ, thương con. Suốt đêm tôi không ngủ được cứ nằm khóc. Rồi ngày thứ 2, thứ 3 trôi qua, khi công việc vào guồng, được sự quan tâm, hướng dẫn của lãnh đạo cấp trên, chúng tôi xác định được tâm lý nên thoải mái hơn rất nhiều, không còn lo lắng nữa”, điều dưỡng Hòa chia sẻ.
Điều khiến chị cùng đội ngũ y bác sỹ tại bệnh viện từng giờ, từng ngày phải tự nhủ nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, điều trị cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh đó chính là tình cảm của nhân dân. Những bó rau, củ dưa, gói mỳ tôm được bà con đưa đến tận cổng bệnh viện ủng hộ lực lượng chống dịch. Tình cảm mộc mạc của nhân dân chạm vào trái tim của những người y bác sỹ. Điều đó là nguồn động viên để họ tiếp tục đương đầu với dịch bệnh.
Hậu phương tiếp lửa cho tiền tuyến chống dịch
Trong số 43 y bác sỹ “trực chiến” tại bệnh viện này, ngoài điều dưỡng Hòa còn có rất nhiều trường hợp mẹ già, con nhỏ, chồng xa nhưng hơn tất thảy, nhiệm vụ người thầy thuốc đã buộc họ gạt bỏ “tình riêng” để lo “tình chung”.
Bác sỹ Hùng mặc đồ bảo hộ để thăm khám cho bệnh nhân |
43 y bác sỹ tại đây được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm chia thành 3 kíp, mỗi kíp gồm 2 bác sỹ, 4 điều dưỡng được giao trực luân phiên nhau trong vòng 10 ngày. Tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân dương tính Covid-19, đồng nghĩa các y bác sỹ trở thành những F1. Mỗi kíp khi hoàn thành thời gian trực 10 ngày, sẽ được chuyển đến ở khu vòng ngoài, cách ly riêng biệt, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Lúc này, kíp khác sẽ tiếp tục nhiệm vụ “trực chiến” vòng trong, chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Là 1 trong số 5 bác sỹ công tác lâu năm tại bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Việt Hùng chia sẻ, từ ngày 21/3, thời điểm có bệnh nhân đầu tiên dương tính Covid-19, anh được phân công nhiệm vụ trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân 146.
Phút chợp mắt dưới sàn nhà của một nữ điều dưỡng |
Anh cùng bác sỹ Cường là bác sỹ điều động từ tuyến tỉnh về được phân cùng 1 kíp. Ban đầu, mọi thứ còn bỡ ngỡ, công tác khám, điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài phác đồ điều trị của bộ Y tế, liệu pháp tâm lý cũng được đội ngũ y bác sỹ ở đây áp dụng.
Hàng ngày, các y bác sỹ thường xuyên gọi điện động viên, nói chuyện để bệnh nhân vui vẻ, động viên họ tự tin, tâm lý lạc quan, hướng dẫn cách thở, tập thể dục và tăng chất lượng khẩu phần ăn để bệnh nhân tăng sức đề kháng.
“Mỗi buổi sáng, chúng tôi gọi điện hỏi thăm tình trạng bệnh nhân như thế nào, cần những gì để mang vào. Khi tiếp xúc với F0, chúng tôi được trang bị khẩu trang, ủng, đồ bảo hộ chuyên dụng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khử trùng trước và sau thăm khám. Là đàn ông lại là bác sỹ lâu năm tôi không bị ảnh hưởng tâm lý gì.
Còn vợ tôi thì lại rất lo lắng. Tôi thường xuyên động viên vợ, trường hợp mình bị nhiễm cũng có thể xảy ra vì tiếp xúc trực tiếp nhưng phải cố gắng. Bệnh nhân dựa vào mình mà mình lùi bước thì bệnh nhân biết dựa vào ai?”, bác sỹ Hùng tâm sự.
Bà con nhân dân tại thị trấn Tây Sơn nấu cơm cho lực lượng chống dịch |
Khi các y, bác sỹ, chiến sĩ tuyến đầu đang “căng mình” chống dịch, người dân cũng ý thức cao hơn trách nhiệm hậu phương, ủng hộ mọi mặt, cả về sức người, sức của. Đâu đâu ở mảnh đất Hà Tĩnh hàng ngày đều bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà mang từng bó rau, cân gạo đến điểm cách ly để ủng hộ. Hình ảnh hậu phương và tiền tuyến một lần nữa tái hiện trong thời bình.
Đó là những lời xúc động mà bác sỹ Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tâm sự với tôi trong cuộc trò chuyện chưa đầy 10 phút. Cũng cách ly cùng bệnh nhân dương tính, sát cánh cùng đội ngũ y bác sỹ bệnh viện kể từ ngày 21/3 đến nay, điều mà ông cảm nhận được sâu sắc nhất đó là tình người trong khó khăn, hoạn nạn.
Bữa cơm ăn vội của nữ điều dưỡng. Ở đây, các chị cũng phải cắt tóc để phòng ngừa lây lan virus |
“Chúng tôi nhận được những bữa cơm do người dân nấu mang vào, những bó rau có khi là 20 ngàn đồng của những cụ già trên địa bàn mang đến ủng hộ lực lượng; hệ thống buồng khử khuẩn, trang bị y tế bảo hộ, bồn vệ sinh riêng cho các bệnh nhân cách ly cũng được các cơ quan, cá nhân đoàn thể ủng hộ. Các cấp lãnh đạo tuyến trên luôn sát sao hướng dẫn, tinh thần chung tay đẩy lùi dịch bệnh của toàn cộng đồng khiến đội ngũ y bác sỹ chúng tôi càng ấm lòng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 15 năm kể từ khi bệnh viện Đa khoa cửa khẩu Cầu Treo thành lập cho đến nay, chưa bao giờ tôi cùng anh chị em đồng nghiệp trải qua những cảm xúc khó quên như thế. Tôi đón tuổi 58 cách đây mấy ngày trong bệnh viện. Buổi tiệc đó chỉ có bánh và nến được bà con nhân dân ship từ ngoài vào. Đó là sinh nhật tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời mình”, Bác sỹ Thành xúc động.
Sinh nhật đáng nhớ của Bác sỹ Thành trong khu cách ly đặc biệt. |
Đã 17 ngày đã trôi qua, luôn mang trên mình bộ đồ bảo hộ, bức bí, ướt đẫm mồ hôi, áp lực nhiệm vụ nhưng đối với các y bác sỹ tại đây những khó khăn đó không là gì. Hàng ngày nhìn bệnh nhân chịu đựng những cơn đau, tình yêu thương của đồng bào nhân dân thôi thúc họ phải cố gắng chống dịch. Bao giờ hết dịch ngày đó sẽ được trở về nhà!
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 3 trường hợp nhiễm Covid-19: Bệnh nhân 146 (quê Nghi Lộc, Nghệ An), 210 (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) và 238 (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cả 3 bệnh nhân này đều trở về từ Thái Lan hiện đang được điều trị, theo dõi tại bệnh viện Đa Khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. |
Tác giả: N.H
Nguồn tin: Tạp chí Người Đưa Tin