Dù thời gian gắn bó với quê hương Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không nhiều, chỉ vọn vẹn 6 năm, nhưng quê hương vẫn ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du.
Gắn bó với nông dân
Nguyễn Du xuất thân trong dòng tộc gia thế nhưng chẳng hưởng được mấy vinh hoa. Sinh ra giữa thời buổi loạn li, tranh giao quyền lực, 11 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mất mẹ, phải sớm chịu cảnh tha hương. Năm 1796, Nguyễn Du về quê ở xã Tiên Điền, kết thúc “10 năm gió bụi”. Trong 6 năm Nguyễn Du ở lại quê cha đất tổ, dù thuộc dòng dõi quan lại, khoa bảng nhưng ông hết sức bình dị, gần gũi với người nông dân, hòa mình vào hoạt động văn nghệ dân gian.
Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: H.A
Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Tĩnh Thái Kim Đỉnh – người có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho hay: “Tiên Điền là đất lắm quan, nhưng là nơi “địa bạc dân bần”. Ruộng không đủ cày, nông dân phải làm thêm nhiều nghề khác để sống như làm thợ, làm bánh trái, nón tơi… Nguyễn Du dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho người nông dân. Có năm vùng quê Nghệ Tĩnh mất mùa, ông đã trực tiếp đề nghị quan cai quản là Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh miễn thuế cho dân”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, các bậc cao niên ở Tiên Điền lúc còn sống hẵng còn kể: “Những năm tháng ở quê nhà, Nguyễn Du thường đến từng nhà dân trong xóm, chuyện trò, hỏi han đủ chuyện có khi ngồi cả ngày với đám trẻ chăn trâu, hát, thả diều… Nguyễn Du rất thích tiếng sáo, tiếng tù và, có lúc đứng bên giếng nghe các cô gái làng hát, có khi ra ngồi bờ sông ngắm cảnh, rồi xuống thuyền chài xem đánh cá. Thậm chí có đêm lang thang trong làng đến khuya mới về”.
Những năm 1960, trong quá trình thu thập tư liệu về Nguyễn Du tại vùng đất Nghi Xuân nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh ấn tượng nhất những gia thoại: Về với thôn quê và đi săn là cái thú của Nguyễn Du. Suốt 99 ngọn Ngàn Hống (dãy núi Hồng Lĩnh ngày nay-PV), không nơi nào là Nguyễn Du không đặt chân đến. Ông thuộc từng cái động, từng con khe. Thường thì Nguyễn Du đi săn cho vui thôi, có mấy khi săn được thú…
Hòa mình với dòng chảy văn hóa xứ Nghệ
Theo một bản gia phả của dòng họ Nguyễn ở Nghi Xuân, Nguyễn Du sinh năm 1766, tại phường Bích Câu, Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), sinh ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tể tướng. Mẹ là bà Trần Thị Tần (1740 -1778), quê ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. |
Đầu năm Bính Thìn 1796 sau quãng đời 10 năm gió bụi, Nguyễn Du về ẩn cư tại quê cha Tiên Điền, và đã được tiếp xúc rộng và sâu với văn hoá truyền thống Nghệ Tĩnh. Những tư tưởng, tình cảm của con người xứ Nghệ, những nét sinh hoạt văn hoá, ngôn ngữ độc đáo và cảnh sắc núi Hồng-sông Lam đã thấm quyện vào tâm hồn nhạy cảm của thi nhân và về sau cũng đã ảnh hưởng, xuất hiện trong nhiều sáng tác của ông.
Ở quê Nguyễn Du đã hòa nhập giao lưu với trai, gái làng, tạo nên lối hát ví phường nón mang đậm sắc thái dân ca của làng nghề xứ Nghệ điển hình là 2 tác phẩm “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”, “Thác lời trai phường nón” về những cô gái phường vải và cuộc giao duyên mang dấu ấn đáng nhớ trong các sinh hoạt văn hóa làng xã.
Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Minh (64 tuổi, ở thôn Hải Thủy, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, là hậu duệ đời thứ 6 của Nguyễn Du, cho biết: Mặc dù Nguyễn Du sống chủ yếu ở kinh đô Thăng Long, kinh thành Huế, Thái Bình hay có thời gian đi sứ Trung Quốc nhưng mảnh đất Nghệ Tĩnh xưa hùng vĩ với cảnh sắc sông núi nên thơ, đặc biệt là người dân quê hương chân chất đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời cũng như văn chương của ông.
Cũng theo ông Minh, trước đây họ Nguyễn ở Tiên Điền có “Vọng Giang Đài” ngay sát bờ sông Lam. Mỗi lần về quê ở Tiên Điền, cụ Nguyễn Du thường ngồi đây ngắm dòng Lam Giang, đặc biệt khi thủy triều lên xa xa có những con thuyền nhấp nhô: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Mặc dù 2 câu thơ này Nguyễn Du tả tâm trạng Thúy Kiều ngồi ở lầu Ngưng Bích, nhưng đó cũng là nỗi lòng canh cánh của Nguyễn Du khi nhớ về người vợ và con trai đầu của cụ đã mất ở ngoài Bắc.
“Có khả năng trong khoảng thời gian 6 năm ngắn ngủi ở quê cha Tiên Điền, Nguyễn Du đã viết phần lớn tác phẩm của mình, trong đó có 2 cuốn Văn Chiêu hồn và Truyện Kiều chăng?” – nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đặt giả thiết.
Hữu Anh