Kinh tế

Bầu Hiển chi hơn 1.200 tỷ đồng “đặt cược” vào Vinafood II

Cho đến tận thời điểm Vinafood II hoàn thành phương án cổ phần hoá công ty mẹ thì vẫn chỉ có duy nhất Tập đoàn T&T của bầu Hiển tham gia đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này. Tạm tính theo giá khởi điểm IPO, bầu Hiển sẽ phải chi khoảng 1.262 tỷ đồng.

Đầu tháng 2 này, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã chính thức công bố thông tin về việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án cổ phần hoá, với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, Nhà nước sẽ sở hữu 51% cổ phần Vinafood II, 25% cổ phần được bán cho cổ đông chiến lược và số chào bán ra bên ngoài là 22,97%. Phần còn lại bán cho nhân viên và công đoàn trong tổng công ty.

Công ty của bầu Hiển là đơn vị duy nhất đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II

Thông tin từ Vinafood II cho thấy, đến thời điểm 16 giờ, ngày 27/7/2017, tổng công ty này mới chỉ nhận được duy nhất 1 bộ hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Và đây cũng là ứng viên duy nhất gửi hồ sơ xin tham gia làm nhà đầu tư chiến lược Vinafood II đến thời điểm hoàn thiện phương án cổ phần hoá công ty mẹ Vinafood II vào ngày 15/12/2017.

Theo quy định của Nghị định số 59 năm 2011 của Chính phủ về nhà đầu tư chiến lược: “Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

“Tổng công ty thấy rằng Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã đáp ứng được các quy định về nhà đầu tư chiến lược, trong đó T&T có định hướng phát triển hướng tới các lĩnh vực nông lâm nghiệp, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm; đã có kinh nghiệm có ngành nghề kinh doanh liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty Lương thực miền Nam” – văn bản của Vinafood II nêu.

Bên cạnh đó, tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II còn phải có tối thiểu 3 năm hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông sản, lương thực, thực phẩm. Vốn tối thiểu 2.500 tỷ đồng vào năm 2016, có lợi nhuận sau thuế 3 năm liên tiếp từ năm 2014 đến 2016, tại thời điểm 31/12/2016 không có lỗ luỹ kế.

Sau khi đối chiếu, Vinafood II cho biết, T&T có năng lực tài chính với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 có lãi; có đầy đủ các cam kết khi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.

Để việc cổ phần hóa công ty mẹ Vinafood II kịp tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng công ty này đã đề nghị Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn T&T làm nhà đầu tư chiến lược, từ đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hồi tháng 8/2015, T&T và một công ty khác cũng của ông Đỗ Quang Hiển là Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội đã đăng ký mua 35% và 15% số cổ phần đang lưu hành của công ty mẹ Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco), đánh dấu việc lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp của ông chủ ngân hàng SHB.

Bầu Hiển cũng từng có kinh nghiệm trong việc tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, đáng chú ý là vụ vực dậy Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) khỏi bờ vực phá sản năm 2012. Ông Hiển đã điều hành doanh nghiệp này đến giữa năm 2015 thì bàn giao chức Chủ tịch cho người khác.

Vinafood II hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực thoát khỏi nợ nần, thua lỗ do kinh doanh không hiệu quả cùng những lùm xùm sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Với 25% cổ phần Vinafood II tương ứng với 125 triệu cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược, tạm tính theo giá khởi điểm của cuộc đấu giá IPO 10.100 đồng/cổ phần, lượng tiền mà T&T phải bỏ ra cho thương vụ này vào khoảng 1.262 tỷ đồng.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP