Thể thao

Bầu Đức đã đúng, nhưng quá cô đơn giữa con đường "nâng cấp" bóng đá Việt Nam

Sau phát ngôn của HLV Hoàng Anh Tuấn, tâm sự của nguyên GĐKT Jurgen Gede thêm lần nữa cho thấy bầu Đức "thức thời" đến thế nào, với những "đứa con ngoan"...

1. Vài ngày trước, HLV Hoàng Anh Tuấn khiến không ít người hâm mộ đang hân hoan với lộ trình "vươn ra châu lục" của bóng bóng đá Việt Nam phải sửng sốt và đau lòng, với tiết lộ rằng "tư cách đạo đức" của cầu thủ trẻ Việt Nam quá kém.

"Hãy cứ hiểu theo nghĩa đen đi. Chẳng hạn như vô kỷ luật. Ví dụ về một chuyện rất nhỏ, trong thời gian đá giải, cầu thủ không được phép sử dụng điện thoại di động. Đó là quy định của đội bóng. Lứa 1997 của Quang Hải có một cầu thủ vi phạm điều này và cậu ấy không được dự U19 châu Á 2016. Đấy chỉ là một trường hợp. Còn ở U18 Việt Nam, có tới 9 cầu thủ lén dùng điện thoại. Nhưng tôi buộc phải giữ họ lại ở thời điểm ấy. Còn nhiều thứ nữa, tôi không muốn nói ra", nhà cầm quân người Khánh Hòa này thổ lộ, trả lời cho câu hỏi: "Ông nói đến tư cách đạo đức cầu thủ kém?".

Sau "cú sốc" ban đầu, chắc hẳn nhiều người hâm mộ thắc mắc việc "lén dùng điện thoại" liệu có là vi phạm quá nghiêm trọng, và cái "còn nhiều thứ nữa" mà HLV Hoàng Anh Tuấn nhắc đến là gì?

Thắc mắc ấy được nguyên GĐKT Jurgen Gede "bật mí" phần nào trong bài phỏng vấn của mình. Chuyên gia người Đức này thổ lộ rằng ông đã "mất kiềm chế" khi một số cầu thủ trẻ Việt Nam lén mua thuốc lá về hút, trong một giải đấu được tổ chức ở Indonesia. Rất có thể đấy chính là giải U18 Đông Nam Á 2018, giải đấu mà U18 Việt Nam bị loại ngay sau vòng đấu bảng.

Bên cạnh đó, ông Gede còn than phiền không ít về "ý thức" của các cầu thủ trẻ Việt Nam, từ việc dùng đồ uống có ga, ăn bim bim, đồ ăn vặt, cho đến ý thức di chuyển không bóng trên sân bóng.

"Cầu thủ Việt Nam thông minh, khéo léo. Nhưng thế là chưa đủ. Thực ra, chúng ta cứ nói xa, nói gần về thể lực, chiến thuật nhưng cuối cùng mọi thứ đều được quy về hai chữ "ý thức". Một cầu thủ có ý thức, cậu ta sẽ tự biết cách chăm sóc bản thân, tự biết cái gì xấu, cái gì tốt. Một tập thể có ý thức sẽ biết cách tạo ra môi trường lành mạnh, tất cả cùng đi lên", ông Jurgen Gede trăn trở khi trả lời phỏng vấn trên VNExpress.

2. Trách nhiệm của việc ý thức kém - như ông Jurgen Gede trăn trở, hay "tư cách đạo đức kém" - như HLV Hoàng Anh Tuấn phản ánh, thuộc về ai?

Bản thân ông Gede trực tiếp chỉ rõ: "Chuyện này thuộc về trách nhiệm các học viện, CLB phía dưới, chứ không thể trách cán bộ đội, HLV trưởng và VFF được. Chúng tôi chỉ gặp nhau vài tuần, bảo nhau chuyên môn đã hết thời gian chứ đâu có lúc nào giáo dục nhân cách, đạo đức cầu thủ. Có dặn cũng chỉ là dặn dò các em, làm căng lên để gò mọi thứ vào quy củ. Còn lại, trách nhiệm thuộc về cấp địa phương, nơi đào tạo, dung dưỡng cầu thủ hàng ngày".

Ông Gede nói đúng, và nó càng làm cho người ta thấy rõ cách mà bầu Đức "rèn đạo đức" cho các cầu thủ của học viện HAGL quan trọng đến mức nào. Với các học viên của mình, không ít lần ông bầu phố Núi này bày tỏ rằng bên cạnh chuyên môn, đạo đức là điều mà các cầu thủ trẻ của ông phải đặt lên hàng đầu, có đạo đức, có ý thức thì hẵng nói đến chuyện thành công ở CLB này.

Ngoài HAGL, may ra chỉ có CLB Hà Nội là làm tương đối tốt được điều này. Tuy nhiên, cách làm của đội bóng thủ đô không hẳn quá gắt gao như bầu Đức, thay vào đó là dùng các cầu thủ "đàn anh" - với lối sinh hoạt lành mạnh, chuyên nghiệp như Văn Quyết, Thành Lương làm gương cho các cầu thủ trẻ, bên cạnh đó là sự quan tâm sát sao đến đời sống ngoài sân cỏ của họ.

Ví dụ như năm 15 tuổi, Đoàn Văn Hậu từng không ít lần trốn học đi chơi game. HLV Vũ Hồng Việt đã "điều trị triệt để" cầu thủ trẻ này bằng cách mời gia đình từ quê lên, và trước mặt bố mẹ Văn Hậu, hỏi cậu một câu duy nhất là về quê chơi điện tử hay ở lại Hà Nội học bóng đá. Để có được một Văn Hậu xuất sắc ngày hôm nay, chắc hẳn không thể không kể đến biện pháp quyết liệt ấy của ông thầy đào tạo bóng đá trẻ ngày nào.

Nhìn vào thành công của HAGL, cũng như của CLB Hà Nội, chắc hẳn không khó để nhận ra vai trò cực kỳ quan trọng của công tác đào tạo trẻ, trong đó việc đào tạo về ý thức, đạo đức của cầu thủ mang ý nghĩa không hề nhỏ. Song đáng ngạc nhiên là ở các lò đào tạo khác, với những HLV đào tạo bóng đá trẻ khác của Việt Nam, có vẻ nó chỉ đang là một phần rất phụ.

Bầu Đức đang cho không ít các CLB khác mượn quân của mình, và lâu nay, chưa ai từng nghe về việc cầu thủ trẻ của HAGL dính phải bất kỳ vấn đề gì về ý thức hay đạo đức. Song đối lập với nó, lứa cầu thủ trẻ Việt Nam đến từ các lò đào tạo khác, đang được chuẩn bị kế cận cho những Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu... lại đang gặp phải rất nhiều vấn đề, cả thành tích chuyên môn lẫn ý thức đạo đức trong và ngoài sân cỏ.

HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải "bó tay" với vấn nạn ấy, ông Jurgen Gede cũng đã chia tay với chức danh GĐKT của VFF. Họ đều để lại những dấu hỏi rất lớn cho công tác đào tạo trẻ - thứ mà HLV Park Hang-seo hay những người thay thế họ không thể "dài tay" với tới được.

Hồi còi báo động đã gióng lên với bóng đá trẻ Việt Nam, đúng "điểm yếu" mà bầu Đức đã phải mất hơn 10 năm để tạo ra bước chuyển biến mới cho bóng đá Việt Nam. Chả nhẽ chỉ có mỗi bầu Đức mới làm được điều này, và ông bầu phố Núi sẽ phải cô đơn giữa con đường "nâng cấp đạo đức" cho bóng đá Việt Nam mãi sao?

Tác giả: Lam Chi

Nguồn tin: toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP