Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đường nông thôn mới thi công kém chất lượng

Mặt đường bê tông không đủ chiều dày theo thiết kế; sử dụng đá bẩn, đá mụn, đá sai quy cách để thi công dự án là những gì đang diễn ra tại Công trình đường giao thông nông thôn xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Chậm tiến độ hơn 2 năm

Dự án đường giao thông nôn thôn xã Thuần Thiện, thuộc công trình giao thông cấp IV, do UBND xã Thuần Thiện làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Thương mại 268 (tại xã Khánh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) làm tư vấn giám sát; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 468 (tại Khối 9, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) chịu trách nhiệm thi công.

Dự án đường GTNT xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc

Dự án được khởi công tháng 01/2016, thời gian thực hiện hợp đồng là 300 ngày và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2016. Tuyến đường có chiều dài hơn 2,4km, điểm đầu giao với đường nhựa liên huyện Can Lộc - Lộc Hà tại cống nhà Trót, điểm cuối giao với đường 548.

Đường được thiết kế có bề rộng nền = 5,0m, bề rộng mặt đường = 3,5m. Kết cấu áo đường tính từ trên xuống: lớp bê tông xi măng M300, đá 1x2, dày 22cm; lớp ni lon tái sinh; lớp đá 2x6 chèn đá dăm dày 15cm; lớp đất đồi đầm chặt K98 dày 30cm.

Công trình có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 8,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xin hỗ trợ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã và Chủ đầu tư huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Khoảng cách từ nền đường lên mặt chỗ tim đường chỉ được hơn 15cm

Công trình hoàn thành sẽ giải quyết điều kiện đi lại khó khăn cho nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Đồng thời góp phần hoàn thiện dần tiêu chí giao thông trong Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.

Đến nay, sau ba năm khởi công rồi “đắp chiếu”, công trình mới được khởi động trở lại. Tại hiện trường, đơn vị thi công đang tiến hành đổ bê tông mặt đường, tuy nhiên bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Thời điểm PV có mặt, không hề thấy bóng dáng của cán bộ tư vấn giám sát hay giám sát cộng đồng mà chỉ có nhân viên kỹ thuật cùng một nhóm công nhân đang làn việc.

Theo quan sát của PV, một thực trạng phổ biến tại nhiều công trình giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh đó là nền đường được lu lèn theo hình lưng rùa. Do vậy, nhìn hai bên lề thì bề dày bê tông đảm bảo, tuy nhiên phần tim đường thường thiếu hụt.

Nghi ngờ phần giữa mặt đường không đủ bề dày theo thiết kế, PV đã cùng cán bộ kỹ thuật căng dây kiểm tra đoạn công nhân đã đóng ván khuôn chuẩn bị đổ bê tông, khoảng cách từ nền đường lên mặt chỗ tim đường chỉ được 15cm (chênh lệch 7cm so với thiết kế - PV).

Mặt bê tông dày 22cm nhưng ván khuôn chỉ được từ 18 đến 20cm.

PV phản ánh vấn đề này với cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công, anh này nói, do độ nghiêng của mặt đường trong thiết kế nên khi đổ bê tông, bề dày đỉnh đường vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, khi cán bộ kỹ thuật đưa thước lại đo thực tế đoạn đã đổ bê tông, thì chỗ dày nhất của tim đường cũng chỉ được hơn 18cm.

Vật liệu đá dùng để đổ bê tông mặt đường theo quy định trong thiết kế là đá 1x2, tuy nhiên tại điểm trộn bê tông đá vụn rất nhiều, lẫn đá lép và mạt đá. Bảng cấp phối bê tông cũng không có, công nhân chỉ dùng gàu máy múc chừng rồi trộn theo cảm tính.

Đá mụn, đá lép và mạt đá lẫn lộn

Phản ánh điều này với đơn vị tư vấn giám sát, ông Trần Văn Bình, giám sát viên, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Thương mại 268 cho biết: “Sáng qua do đang dọn bãi tập kết vật liệu nên tôi không đến. Buổi chiều do bận việc gia đình nên tôi không có mặt. Sáng nay tôi cũng chủ quan để cho giám sát cộng đồng kiểm tra. Đá này thì công nhận là không được, tí nữa tôi sẽ cho đình chỉ ngay”.

Trao đổi về công tác nghiệm thu theo từng giai đoạn của công trình, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Sau mỗi giai đoạn, Ban quản lý cùng với tư vấn giám sát và cán bộ kỹ thuật đều tiến hành nghiệm thu rồi mới thi công giai đoạn tiếp theo”.

Khi PV đề nghị được xem biên bản nghiệm thu thì vị này nói: “Hiện tại chúng tôi chưa cập nhật được. Vừa rồi bên tư vấn giám sát cũng báo cáo có một số vấn đề chưa ổn lắm. Cái này để cho kỹ thuật bên A hoàn thiện tất cả hồ sơ rồi sau đó mới chuyển lại cho chủ đầu tư”.

Không có bảng cấp phối bê tông, công nhân chỉ dùng gàu máy múc chừng rồi trộn theo cảm tính

Trao đổi với Infonet, ông Võ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện chia sẻ: “Nói xã làm chủ đầu tư nhưng nguồn vốn do doanh nghiệp xin về. Công trình này đáng lẽ hoàn thành từ 2 năm trước nhưng bị gián đoạn. Vừa rồi có nguồn nên mới triển khai tiếp”.

Phản ảnh về việc công trình có nhiều dấu hiệu bất thường, ông Chung cho biết: “Chúng tôi đã giao cho giám sát cộng đồng và giám sát bên A theo dõi, giám sát. Qua thông tin này, tôi sẽ cử cán bộ ra kiểm tra lại. Quan điểm của địa phương là phải làm cho đảm bảo”.

Tác giả: Đặng Sơn - Trần Hoàn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP