Báo Trung Quốc lo ngại Việt Nam sẽ đưa 6 chiếc tàu ngầm Kilo ra quần đảo Trường Sa và tên lửa 3M-14E của Hà Nội có thể tấn công nhiều mục tiêu quan trọng trên đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông.

Theo Duowei News, tờ báo tiếng Trung dành cho người Trung Quốc tại Mỹ, khả năng 6 chiếc tàu ngầm Kio mà Việt Nam mua của Nga sẽ làm nhiệm vụ ngăn đường tiếp viện cho đội quân Trung Quốc đang đồn trú trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin Hải quân Việt Nam nhận được 3 chiếc tàu ngầm Kilo mua của Nga. Theo đó, cả 3 chiếc Kilo đều được trang bị các tên lửa đạn đạo 3M-14E Klub-S.

Tàu ngầm Kilo HQ-182 Hà Nội.

Theo tính toán đầy hàm ý của Thời báo Hoàn cầu, với tầm bắn 280 km, tên lửa 3M-14E của Việt Nam có thể vươn tới thành phố Trạm Giang nằm trên bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.

Trong khi đó, Trạm Giang hiện là nơi đặt trụ sở của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Ngoài ra, các căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc trên đảo Hải Nam cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa 3M-14E. Bên cạnh đó, các tàu ngầm Kilo của Việt Nam còn có thể phóng ngư lôi radar dẫn hướng GE2-01 để tấn công đội tàu tiếp viện của quân đội Trung Quốc.

Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, Hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó với mối đe dọa từ đội tàu ngầm Việt Nam. Theo đó, 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin (Tấn) Type 094 của Trung Quốc đã di chuyển tới đảo Hải Nam nhằm đề phòng một cuộc chiến tiềm năng tại quần đảo Trường Sa.

Nếu cần thiết, Trung Quốc còn cho triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Shang (Thương) Type 093 tới khu vực này.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin (Tấn) Type 094 của Trung Quốc.

Mặc dù, tàu ngầm Kilo của Việt Nam có ưu điểm thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào đất liền và chống hạm, tạp chí Asia Pacific Defense tại Đài Bắc lại cho rằng những chiếc tàu ngầm này không được thiết kế để chiến đấu chống lại đội tàu ngầm của đối phương.

Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu còn tự tin nhận định Bắc Kinh đã sử dụng các tàu ngầm do Nga sản xuất suốt một thời gian dài và hiểu rõ những điểm yếu của tàu ngầm Kilo. Do đó, nếu không may xảy ra giao tranh, Hải quân Trung Quốc sẽ áp đảo đội tàu của Việt Nam.

Trung Quốc dè chừng tên lửa Việt Nam

Xuất phát từ phía nam Vịnh Cam Ranh, các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm 3M-14E Klub-S với tầm bắn 280 km của Hải quân Việt Nam có thể công nhiều khu vực thuộc tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đây là nhận định của chuyên gia phân tích quân sự Andrei Chang hay còn gọi là Pinkov đăng trên tạp chí quân sự tiếng Trung tại Canada, Kanwa Defense Review (Tạp chí quân sự Hán Hòa).

Theo ông Pinkov, hợp đồng mua các tên lửa đạn đạo 3M-14E từ Nga sẽ giúp 6 chiếc tàu ngầm Kilo lớp 636MV của Việt Nam trở nên nguy hiểm hơn đội tàu ngầm của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo 3M-14E.

Trong khi đó, Nga hiện mới chỉ xuất khẩu các tên lửa 3M-14E sang Algeria, Ấn Độ và Việt Nam. Cho tới nay, các tàu ngầm Kilo lớp MV mà Moscow bán cho Trung Quốc vẫn chưa được trang bị tên lửa 3M-14E. Do đó, nếu không may xảy ra xung đột, khả năng Hải quân Việt Nam sẽ sử dụng các tàu ngầm Kilo trong đội hình tiên phong để chiến đấu với Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, các tàu ngầm của Việt Nam cũng trải qua hàng loạt lần cải tiến giúp chúng hoạt động dưới nước êm hơn. Trong trường hợp giao tranh với Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tại thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, tên lửa đạn đạo 3M-54E của Việt Nam sẽ hoạt động phối hợp với vệ tinh.

Đem ra so sánh thì tên lửa đạn đạo 3M-54E của Trung Quốc mới chỉ có tầm bắn 220 km, tên lửa 3M-14E của Việt Nam lại có tầm bắn lên tới 280 km. Tuy nhiên, theo chuyên gia Pinkov, tầm bắn này vẫn chưa thể giúp Hải quân Việt Nam tấn công tới những mục tiêu quan trọng của Hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông.

Chiến đấu cơ Su-30MK2 do Nga sản xuất.

Đặc biệt, Nga đã chuyển giao toàn bộ những công nghệ cần thiết để Việt Nam vận hành các tàu ngầm Kilo. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ từ Ấn Độ, một đồng minh quan trọng trong khu vực. Chuyên gia Pinkov nhận định Ấn Độ còn hỗ trợ cho Việt Nam nhiều hơn cả Nga bởi New Delhi và Hà Nội cùng vận hành các tàu ngầm Kilo ở những vùng biển có chung nhiệt độ. Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay, hai nước đã gửi các tàu ngầm Kilo trở lại Nga để tham gia “chương trình đại tu”.

Ngoài các tàu ngầm Kilo, lực lượng Không quân Việt Nam nhiều khả năng sẽ cho triển khai những chiếc chiến đấu cơ đầu tiên mua của Nga Su-30MK2 ra Vịnh Cam Ranh. Theo ước tính, tới năm 2015, Việt Nam sẽ vận hành 32 chiến đấu cơ Su-30MK2. Ông Pinkov cho rằng chiến đấu cơ Su-30MK2 sẽ giúp tăng năng lực tấn công của quân đội Việt Nam nếu không may xảy ra xung đột tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Duowei News, Thời báo Hoàn Cầu và Kanwa Defense Review. 

MINH THU (Tổng hợp)