Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |
Nhắc lại quan điểm của chính phủ Mỹ không muốn trực tiếp tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Washington có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Mỹ cung cấp thiết bị cho các bên tranh chấp ở Biển Đông để tự vệ và ngăn chặn một cuộc xâm lược (từ Trung Quốc). Tin tức Bắc Kinh gọi đó là “dấu hiệu nguy hiểm”.
Tờ báo nói rằng “Trung Quốc có các cơ chế song phương và đa phương cho giải pháp hòa bình và đối thoại với các nước có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông” (thực tế là Trung Quốc nhảy vào tranh giành lãnh thổ của các nước), và “sự xuất hiện của các loại vũ khí Mỹ ở khu vực không chỉ làm hỏng đồng thuận đạt được giữa các quốc gia, mà còn làm phức tạp thêm các tình huống tranh chấp”?!
Tin tức Bắc Kinh đã không nói rõ, đằng sau cái gọi là “các cơ chế song phương và đa phương” mà họ có là giàn khoan khổng lồ 981 và hàng loạt giàn khoan khác, lực lượng tàu tuần tra bán vũ trang hùng hậu và hung hãn, lực lượng tàu cá vỏ thép sẵn sàng đâm chìm tàu cá đối phương và đặc biệt là lực lượng hải quân sẵn sàng phô trương thanh thế, uy hiếp láng giềng trên mặt biển để hỗ trợ cho cái gọi là “giải pháp hòa bình và đối thoại”.
Thứ hai, trước khi Mỹ quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam thì chính Trung Quốc đã thường xuyên chây ỳ, tìm mọi cách né tránh hoãn binh việc đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để dễ bề hoạt động, cải tạo bất hợp pháp, thay đổi hiện trạng Biển Đông, vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc không ngừng phô diễn sức mạnh cơ bắp, đe dọa uy hiếp láng giềng. |
Theo tờ báo này, Hoa Kỳ có ý định rõ ràng trong việc cung cấp vũ khí cho khu vực. Trong khi nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam thì Washington vẫn khẳng định duy trì cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Do đó việc mua bán này rõ ràng “không trung lập, có ý đồ chính trị”:?! Như đã nói ở trên, chính Mỹ đã nói rõ mục đích giúp các nước ven Biển Đông bao gồm Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ trên biển vì những hành vi ngày một hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc, tất nhiên sẽ mang lại khoản tiền không nhỏ cho Mỹ. Nhưng khi đã nối giáo cho giặc thì cái giá người Mỹ phải trả không nhỏ nếu Bắc Kinh có thêm công cụ tác oai tác quái trên Biển Đông, khu vực sẽ không có nổi một ngày bình yên, lợi ích chiến lược của Mỹ bị đe dọa. Washington đủ tỉnh táo để thấy điều này.
Tin tức Bắc Kinh vừa khuyên vừa dọa Mỹ rằng, trục chiến lược châu Á – Thái BÌnh Dương mà Mỹ đang thúc đẩy không giúp gì cho hòa bình và ổn định mà chỉ làm hỏng chúng?! Nếu Mỹ thực sự coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc thì cần tôn trọng cái gọi là lợi ích cốt lõi của mối quan hệ, tôn trọng lẫn nhau, không xung đột, không đối đầu, bình đẳng, cùng có lợi?!
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng tỏ vẻ “không hài lòng” với việc Mỹ và Ấn Độ ra tuyên bố chung kêu gọi bảo vệ hòa bình, an ninh hàng hải trên Biển Đông, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Đồng thời, Tân Hoa Xã tuyên bố Trung Quốc đã xây dựng (thực tế là mở rộng bất hợp pháp) đường băng trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc thôn tính các năm 1956, 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp) sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, nâng cao cái gọi là khả năng phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài lực lượng hải quân hùng hậu, Trung Quốc không ngừng phát triển các thế lực bành trướng khác như giàn khoan, tàu tuần tra bán vũ trang và tàu cá vỏ thép. |
Bình luận về động thái này, hãng tin Ria Novosti của Nga cho biết Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh cơ bắp trên Biển Đông, là động thái mới nhất khẳng định sức mạnh (mối uy hiếp) của Bắc Kinh với khu vực.
Trước cục diện Biển Đông hiện nay, Nah Liang Tuang, một nhà nghiên cứu từ Viện Quốc phòng và nghiên cứu chiến lược thuộc trường S. Rajaratnam ở Singapore viết trên The Diplomat cho rằng, Việt Nam và Philippines muốn bảo vệ được vùng đặc quyền kinh tế của mình trước đường lưỡi bò Trung Quốc thì phải tập trung nâng cao khả năng phòng thủ hàng hải, kiểm soát hàng hải bằng lực lượng tàu tuần tra hiện đại.
Nah Liang Tuang nhận xét, mặc dù thực lực hải quân còn kém xa Trung Quốc, nhưng Việt Nam và Philippines chưa bao giờ hạ thấp hay từ bỏ chủ quyền cũng như yêu sách vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Cả hai nước đã tập trung mua sắm vũ khí, nâng cao năng lực phòng thủ cho hải quân. Tuy nhiên những tàu ngầm, tàu chiến hiện đại không thể đem ra tuần tra thường xuyên trên các vùng biển yêu sách, mà cần phải có hệ thống tàu tuần tra công vụ hiện đại riêng biệt, đúng như Trung Quốc đã và đang làm.
Với điều kiện ngân sách quốc phòng còn eo hẹp, theo Nah Liang Tuang 2 nước Việt Nam và Philippines có thể tính toán đến việc mua chung các thiết bị tuần tra hàng hải. Ngoài lợi ích hữu hình về kinh tế và tăng cường năng lực giám sát hàng hải, bảo vệ trên biển và đối phó hiệu quả hơn với thách thức từ Trung Quốc còn có lợi ích vô hình lớn hơn, đó là sự cải thiện rõ rệt quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong nội khối ASEAN để đối phó với (dã tâm bành trướng của) Bắc Kinh.
Hông Thuỷ