Trình diễn, mô phỏng dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh theo hình thức dân khấu hóa. Ảnh: QĐ |
Nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản
Sau khi dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2014), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh triển khai bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Theo Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An, đến nay tại Nghệ An có hơn 120 câu lạc bộ dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh với hàng nghìn thành viên, trong đó có nhiều câu lạc bộ hoạt động thường xuyên và hiệu quả tại TP Vinh, huyện Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương…
Hàng năm, tại Nghệ An, Hà Tĩnh đều tổ chức Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, 2 năm một lần tổ chức cấp liên tỉnh. Ngoài ra, mỗi tỉnh có nhiều chính sách bảo tồn và phát huy di sản như phong tặng, tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, tổ chức đưa dân ca vào trường học, tổ chức các hoạt động giao lưu, nghiên cứu, sưu tầm, trình diễn dân ca ví giặm…
NSND Hồng Lựu trình diễn dân ca với các nghệ sĩ trẻ. Ảnh: TĐN |
Trao đổi với phóng viên, NSND Trịnh Thị Hồng Lựu – Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An cho biết việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được lãnh đạo địa phương quan tâm, nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Đó là những thuận lợi cơ bản để việc bảo tồn và phát huy di sản đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại sức lan tỏa cho di sản trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Bao giờ có sân khấu thực tiễn?
Hoạt cảnh tái hiện dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: QĐ |
Theo Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTTDL, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được nhận diện: “Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật”.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, sự tồn tại của sinh hoạt dân ca ví giặm với các đặc điểm nói trên ngày càng vắng bóng, chỉ xuất hiện trong một số trường hợp đơn lẻ, ít ỏi, rời rạc tại một số hoạt động như đám cưới, đám ma, giao lưu văn nghệ…
Còn các hình thức tồn tại khác như câu lạc bộ dân ca, liên hoan dân ca, sân khấu hóa, trình diễn dân ca ví giặm…đều không đúng với định nghĩa, khái niệm gốc của dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh.
NSND Trịnh Thị Hồng Lựu – Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An thừa nhận thực tế nói trên và lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do sự thay đổi về điều kiện, môi trường sống, môi trường lao động, về các yếu tố khác liên quan đến nhu cầu giao lưu, giãi bày, giải trí của con người trong xã hội đương đại đã rất khác biệt so với cách đây hàng trăm năm.
“Thực tế những cái chúng ta đang làm như tổ chức các câu lạc bộ, liên hoan, sân khấu hóa…đều là mô phỏng, tái hiện, trình diễn dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều, tham khảo ở các địa phương trong nước và nước ngoài để đi đến nhận định là muốn bảo tồn dân ca ví giặm đúng nghĩa thì cần phải xây dựng được sân khấu thực tiễn” – NSND Hồng Lựu chia sẻ.
Sân khấu thực tiễn như ý tưởng của Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An là xây dựng, tái tạo không gian thực, cuộc sống thực của người dân, trong đó người dân tham gia lao động sản xuất và thực hành sáng tạo, thưởng thức dân ca; vừa là đối tượng, vừa là chủ thể sáng tạo như nguyên bản của dân ca ví giặm trước đây.
"Trường hợp người dân vừa dệt vải, quay tơ vừa hát đối đáp với nhau, đó mới là dân ca thật" - NSND Hồng Lựu nói.
Tuy nhiên, đó mới chỉ dừng lại ở ý tưởng của một nghệ sĩ - cán bộ quản lý văn hóa, chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực, và liệu có duy trì được bền vững hay không, trong thời gian bao lâu.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao Động