Xuất hiện với vai trò khách mời trong Lễ trao giải cuộc thi viết "Đàn ông chất là..." mới đây tại Hà Nội, diễn viên Bảo Thanh đã có những chia sẻ thẳng thắn về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu và vai trò của người chồng trong gia đình.
Nữ diễn viên phim “Mẹ chồng nàng dâu”chia sẻ, xã hội ngày nay đã rất hiện đại, mẹ chồng và con dâu không còn như xưa, nghĩa là mẹ bảo gì con phải nghe đó. Bảo Thanh với mẹ chồng rất thoải mái trong việc bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng.
Diễn viên Bảo Thanh cho rằng, mẹ chồng- nàng dâu chia sẻ được với nhau thì gia đình mới yên ấm, người chồng bớt nặng nề khi phải đứng giữa hòa giải mọi rắc rối. |
“Trước đây, người đàn ông là to nhất trong gia đình. Phụ nữ có vị trí thấp hơn, chưa có sự bình đẳng giới. Và người ta cứ mặc định đàn ông nói gì cũng đúng, phụ nữ phải nghe. Bây giờ thì khác, không phải đàn ông nói gì cũng mặc định đúng. Phụ nữ nói gì, đàn ông cũng cần phải nghe.
Sau khi kết hôn 6 năm, và đóng phim “Sống chung với mẹ chồng”, tôi cũng được kinh qua nhiều tình tiết mà ngoài đời mình chưa gặp bao giờ. Tôi và diễn viên Dũng nói với nhau, chưa bao giờ mình trải qua những tình tiết trong phim. Qua vai diễn, lời thoại mình lại học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.
Tôi tự rút ra cho mình rằng, ai cũng muốn tiếng nói của mình được gia đình coi trọng. Mẹ chồng thì truyền thống, con dâu hướng về hiện đại thì đó là sự giao thoa. Trong mối quan hệ mẹ chồng- chồng- nàng dâu, nếu mình có thể ngồi cùng được với mẹ chồng, chia sẻ được với nhau thì là tốt nhất.
Trong gia đình tôi, khi tôi nói, Tết người ta không thế này thế khác mà thế này thế kia, nó vừa giữ nét truyền thống, vừa cập nhật xu thế hiện đại, mẹ thấy có được không? Tôi hay hỏi han mẹ chồng. Nếu mẹ chồng nàng dâu chia sẻ cởi mở thì ít xảy ra mâu thuẫn và chồng mình sẽ không bị đứng giữa hòa giải những rắc rối của hai mẹ con nữa”, Bảo Thanh nói.
Cô cho biết, con dâu và mẹ chồng tìm được tiếng nói chung, thì người đàn ông trong gia đình sẽ rất sung sướng vì được giảm đi những lo lắng, trách nhiệm nặng nề của người đứng giữa.
Nói về người đàn ông gia trưởng, đánh vợ; diễn viên Bảo Thanh kể: “Một người bạn của tôi, to cao, đẹp trai nhưng tính cách của bạn ấy lại… đàn bà. Bạn ấy cục tính, đánh vợ trước mặt mọi người đang ăn. Mọi người đều ngỡ ngàng trước hành động đó. Khi hỏi: “Sao lại đánh?” Bạn nói: “Hư thì đánh”. Nhiều người khác vợ quá quắt hơn, người ta cũng không đánh. Điều này phụ thuộc bản chất và nhận thức của mỗi người. Không chỉ ở quê mới có hiện tượng đánh vợ, nhiều người học hành, ở thành phố cũng đánh vợ nhập viện luôn”.
Theo diễn viên Bảo Thanh, người đàn ông đã đánh vợ một lần, có thể tiếp tục lần thứ hai, lần thứ ba. Cũng một phần do phụ nữ nhẫn nhịn, khiến người chồng được đà lấn tới. Chính vì thế, người vợ cần phải nói chuyện nghiêm túc với chồng.
Diễn viên Mạnh Trường chia sẻ quan điểm của mình về tính gia trưởng của đàn ông Việt. Anh nhấn mạnh phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những thói quen tốt của đàn ông, đó là sự quan tâm chăm sóc phụ nữ, để đàn ông giảm bớt các hành vi bạo lực với phụ nữ. |
Với Bảo Thanh, “đàn ông chất” không có mẫu số chung, mỗi người quan niệm riêng, tuy nhiên, Bảo Thanh cho rằng người đàn ông chất cần phải biết chia sẻ với phụ nữ mọi công việc trong cuộc sống gia đình.
“Với tôi, đàn ông chất là biết làm tất cả mọi thứ, trừ… sinh con. Phụ nữ làm được việc gì, đàn ông cũng có thể làm được. Ở một số nước thậm chí đàn ông còn… mặc váy cơ mà. Đàn ông mà có thể chia sẻ được tất cả mọi thứ với phụ nữ trong cuộc sống thì đó là đàn ông chất”, Bảo Thanh bày tỏ.
Cuộc thi viết "Đàn ông chất là..." được xem như là một "chiến dịch" của BTC nhằm hưởng ứng và ủng hộ cánh mày râu Việt cũng cần có một ngày trong năm cho riêng mình. Nhưng không phải để cạnh tranh với ngày của các chị em phụ nữ mà là dịp để khơi dậy những giá trị tốt đẹp của cánh mày râu bằng việc đưa công chúng tham gia vào câu chuyện, "nhằm thúc đẩy những mẫu hình đàn ông tích cực hơn trong cuộc sống hàng ngày; tôn vinh những đóng góp của đàn ông đối với xã hội; cải thiện bình đẳng giới và tạo ra một thế giới an toàn hơn...".
Sau 2 tháng, BTC đã nhận được hơn 100 bài viết, trong đó người cao tuổi nhất là 72 tuổi. Kết quả, BTC đã chọn được 9 tác phẩm của 9 tác giả để trao giải. Giải Nhất thuộc về tác giả Lương Đăng Vĩnh Đức (TP.HCM) với phần thường trị giá 30 triệu đồng với bài “À, chất…”; giải Nhì thuộc về hai tác giả Lê Phương Loan (TP.HCM) với bài viết “Bố của tôi” và Bùi Minh Đăng (Hà Nội) với bài viết "Đàn ông chất". Ngoài ra, BTC còn trao 2 giải Nhì và 3 giải Ba.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: Báo Dân trí