TS Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ đánh giá, cơn bão số 16 (Tembin) xuất hiện vào những ngày cuối cùng của năm là chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng là cơn bão dị thường khó đoán.
Bão khi vào quần đảo Trường Sa rất mạnh, vào đêm 24/12, trạm quan trắc tại đây ghi nhận cấp gió 11-13, giật cấp 14-15. Sau đó bão yếu dần và di chuyển chậm lại.
Ông Bùi Minh Tăng |
“Với diễn biến phức tạp, khó lường, không phải chỉ những người làm công tác dự báo của Việt Nam mà cả các đài khí tượng của các nước trên thế giới cũng rất khó khăn khi dự báo về cơn bão này”, ông Tăng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông lưu ý, dù cường độ bão có suy yếu so với nhận định ban đầu nhưng đây vẫn còn là cơn bão có khả năng tiếp cận bờ biển miền Tây Nam Bộ. Mối nguy hiểm do bão gây ra đối với người dân ở các tỉnh ven biển từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… vẫn rất đáng quan tâm vì nhà cửa của đa số người dân xây dựng sơ sài, kinh nghiệm ứng phó, chống bão của người dân rất ít.
Ngoài ra, khu vực Nam Bộ có diện tích mặt nước, kênh rạch rất lớn nên mỗi khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện lốc xoáy rất nguy hiểm. Thực tế lốc xoáy đã xảy ra vào các năm 1997, 2006, 2013… tại khu vực này nên người dân không được chủ quan.
Ông Tăng cũng nhấn mạnh, ngay các khu vực ở xa hơn như: Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng có thể có gió giật đến cấp 8. Kèm theo đó, mưa to đến rất to có thể xảy ra ở các khu vực này.
Tác giả: M.Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet