Thế giới

Báo nước ngoài viết về tin nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời

Truyền thông nước ngoài nhắc đến đóng góp của ông Lê Đức Anh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và Khmer Đỏ.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc tại New York năm 1995. Ảnh: AFP.

Sau khi nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần vào tối 22/4 ở tuổi 99, một loạt hãng truyền thông và báo chí nước ngoài đã đưa tin.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lại thông tin từ Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương rằng Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại nhà ở Hà Nội. Xinhua điểm lại tiểu sử như ông sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, giữ chức chủ tịch nước năm 1992 - 1997 sau quãng thời gian đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng năm 1987 - 1991.

Báo Mỹ Washington Post điểm lại binh nghiệp của ông Lê Đức Anh. Nguyên Chủ tịch nước sinh ra vào thời đất nước nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Năm 1938, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và chiến đấu chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954, khi Việt Nam giành được độc lập.

"Ông giữ các chức vụ cao trong Bộ Tư lệnh miền Nam Việt Nam và được thăng hàm lên Trung tướng vào năm 1974. Cũng vào năm này, ông trở thành phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch giúp lực lượng Bắc Việt kiểm soát Sài Gòn vào tháng 4/1975, kết thúc Chiến tranh Việt Nam", báo Mỹ viết.

Sau chiến tranh, ông Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 9, có nhiệm vụ quản lý và chỉ huy quân đội chiến đấu bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984.

"Ông Lê Đức Anh được nhớ đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy chiến dịch giải phóng Campuchia, đẩy lùi quân Khmer Đỏ của Pol Pot ra khỏi Phnom Penh vào năm 1978, khiến ông được đặt biệt danh 'Hổ của Campuchia", hãng tin Pháp AFP viết. Báo Singapore Straits Times, báo Indonesia Jakarta Post và báo Nhật Japan Times cũng đăng lại tin của hãng này.

Báo Campuchia Phnom Penh Post ghi nhận công lao của Đại tướng trong cuộc chiến với Khmer Đỏ. "Ông đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng 5 điểm then chốt để bảo vệ Campuchia trước sự trỗi dậy trở lại của Khmer Đỏ và hỗ trợ phát triển Kế hoạch K5, ngăn quân du kích Khmer Đỏ xâm nhập vào Campuchia qua biên giới Thái Lan - Campuchia năm 1985 - 1989", tờ này viết.

Phnom Penh Post cũng dẫn lại lời nguyên Chủ tịch nước nói với truyền thông trong nước năm 2009: "Vào thời điểm đó, Khmer Đỏ có kế hoạch đánh vào tận Sài Gòn. Nếu chúng ta không hỗ trợ, người dân Campuchia sẽ vùng lên giải phóng dân tộc, tìm sự hồi sinh ra sao?".

Chủ tịch nước Lê Đức Anh (trái) và Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Havana tháng 10/1995. Ảnh: TTXVN.

AFP nhắc đến việc Đại tướng là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, khi ông dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc tại New York năm 1995.

Telesur, mạng lưới truyền hình Mỹ Latin do Venezuela, Cuba và một số nước khác tài trợ, nhấn mạnh việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Cuba vào tháng 10/1995. Vào thời điểm đó, Hà Nội đã gửi những đợt viện trợ gạo quan trọng cho Cuba khi nước này đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ.

"Ông Lê Đức Anh đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ", hãng này viết.

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP