Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chiều 27/4 phát thông cáo đặc biệt về sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước.
Theo đó, tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh sẽ diễn ra với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: CTV |
Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Lễ truy điệu từ 11h và lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM. Cùng thời gian này, tại hội trường Thống Nhất TP HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Trong hai ngày Quốc tang (3 và 4/5), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh cho biết, nguyện vọng của gia đình là được tổ chức Quốc tang giản dị và mong muốn các hoạt động khác trong xã hội diễn ra bình thường, không bị đình trệ.
"Gia đình đề nghị lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức tại Hà Nội với mục đích giảm chi phí đi lại của lãnh đạo các cấp, đại diện cơ quan, đơn vị; tiết kiệm cho ngân sách", ông Hà nói.
Gia đình cũng đề nghị chuyển linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh vào an táng tại TP HCM bằng máy bay hành khách, không phải chuyên cơ; thành viên trong gia đình mua vé máy bay như các hành khách khác đi cùng chuyến bay. Gia đình đã đề nghị Bộ Quốc phòng sử dụng máy bay vận tải quân sự nhưng loại máy bay này đã không còn hoạt động.
"Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được an táng tại nghĩa trang TP HCM", ông Hà cho hay.
Trước đó tối 22/4, ông Lê Mạnh Hà cho VnExpress biết, cha ông - nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - qua đời lúc 20h10 ngày 22/4 tại nhà ở số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội.
Nhiều tháng trước khi mất, do tuổi cao, sức khỏe Đại tướng Lê Đức Anh suy giảm. Ông được người thân đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để các bác sĩ tiện chăm sóc. Ông Lê Mạnh Hà hàng ngày ở bên cha.
"Khi còn công tác, mỗi sáng tôi đến chỗ làm, thì khi nghỉ hưu từ năm 2017, mỗi sáng tôi đến bệnh viện với ba. Đây có lẽ là thời gian tôi được ở cạnh ông nhiều nhất. Nhưng cũng thật đáng tiếc lúc ở cạnh ba nhiều nhất thì cũng là lúc ông không còn biết gì nhiều về xung quanh", ông Hà chia sẻ ký ức về người cha đi đánh trận khắp các chiến trường.
Đại tướng Lê Đức Anh (thứ hai từ phải sang) cùng phu nhân trong một lần tiếp khách tại nhà công vụ, số 5A, Hoàng Diệu. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có bí danh Sáu Nam, sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Ông là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng, từ tiền khởi nghĩa đến cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước sau thống nhất.
Ông tham gia cách mạng năm 1937, vào Đảng Cộng sản Việt Nam một năm sau đó.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn, Trung đoàn. Ba năm sau, ông là Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1951, ông là Tham mưu phó, quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, rồi Cục phó Cục Tác chiến; Cục Trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam.
Kháng chiến chống Mỹ, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Từ tháng 8/1963, ông là Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1964 đến 1974, ông là Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam; Tư lệnh Quân khu 9. Ông đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam từ 1974.
Tháng 6/1974, ông là một trong hai người (cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, làm Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Đất nước thống nhất, ông làm Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980.
Năm 1981-1986, ông là Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.
Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/1987.
Năm 1988, ngay sau khi Trung Quốc gây ra vụ thảm sát Gạc Ma (tháng 3/1988), Đại tướng Lê Đức Anh có chuyến thị sát đảo Trường Sa. Tại đây, ông có bài phát biểu tôn vinh chiến công của hải quân Việt Nam và khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và là người đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn quan tâm đến tình hình chính trị đất nước. Năm 2012, khi xảy ra vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng, TP Hải Phòng, ông cùng một số lão thành cách mạng đã lên tiếng phân tích đúng, sai từ phía người dân và chính quyền. "Nếu vụ việc này không được kịp thời xử lý nghiêm minh thì hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi vì từ quan hệ nhà nước phục vụ dân mà với các quan chức suy thoái như thế, quan hệ phục vụ thành quan hệ đối kháng, điều đó gây mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng", nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nói.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.
Tác giả: Hoàng Thuỳ
Nguồn tin: Báo VnExpress