Trong nước

Bão giật cấp 10 đang tăng tốc, có thể đổ bộ Nghệ An-Quảng Trị

Áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông của Philippines đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Khanun.

Bão giật cấp 10 đang tiến gần biển Đông

Lúc 1h sáng nay 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong những giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Bão số 11 trên hình ảnh mây vê tinh. Ảnh NCHMF

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Áp thấp nhiệt đới vừa qua đã khiến nhiều nơi trên cả nước ngập nặng.

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, dự kiến khả năng bão số 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị trong thời gian từ đêm 15-17/10 với cường độ dự kiến tại thời điểm này khoảng cấp 8, cấp 9; có khả năng lên đến cấp 10 hoặc cấp 11. Diễn biến của cơn bão cần phải theo dõi thêm và liên tục.

Khi bão đi vào phía Bắc Biển Đông lại gặp một đợt không khí lạnh mới sẽ tràn xuống vào khoảng ngày chủ nhật (15/10), hai hiện tượng này kết hợp với nhau sẽ tương tác và gây ra một đợt mưa vừa đến mưa rất to ở khu vực này.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa to.

Nhiều nơi như Hà Nam, Thanh Hoá, Ninh Bình người dân phải thức trắng đêm gia cố đê, bờ để hạn chế nước tràn vào nhà.

Cũng theo ông Năng, năm nay do ảnh hưởng của La Nina yếu nên mùa mưa bão kéo dài. Nhận định, tháng 10 năm nay sẽ có khoảng 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta. Tháng 11 khoảng 1-2 cơn.

Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, các yếu tố cực đoan khí hậu người dân cần đề phòng. Như: mưa lớn cuối mùa ở Đồng bằng Sông Cửu Long; bão có thể xuất hiện vào tháng 11, tháng 12; bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Nam (Nam Trung Bộ, Nam Bộ); số lượng các cơn bão thì tăng ít nhưng các cơn bão đổ bộ về phía Nam ngày một nhiều…

Nguyên nhân khiến mực nước sông tại nhiều nơi đạt đến mức lịch sử

Ông Năng cũng giải thích lý do vì sao dù đã qua áp thấp nhiệt đới, nhưng mực nước sông tại nhiều khu vực vẫn ở mức cao. Điển hình như mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế (Ninh Bình) đã vượt mức lịch sử năm 1985.

Nước lũ trên sông Hoàng Long vượt mức lịch sử năm 1985. Nước tràn đê vào khu dân cư gây ngập nặng.

Theo đó, trong những ngày vừa qua (9-11/10), do ảnh hưởng của hai hình thế thời tiết là áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã gây mưa vừa, nhưng cũng tạo ra một làn sóng khí áp lan ra các tỉnh phía Bắc gây ra một đợt mưa rất lớn, đặc biệt là các tỉnh Thanh Hóa, phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ và lan sang các tỉnh phía Tây Bắc bộ như: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, đặc biệt là lòng hồ Hòa Bình kết hợp cùng lúc với không khí lạnh từ phía Bắc tràn về.

Gỗ trên thượng nguồn bị lũ cuốn theo, ngập kín một đoạn sông. Nhiều nơi, người dân tụ tập trên bờ để đợi tin tức từ thuyền đi tìm kiếm người mất tích.

Trong thời tiết mùa thu, thông thường nếu chỉ một hình thế thời tiết đã gây ra hiện tượng mưa vừa đến mưa to, thậm chí rất to; nhưng tại cùng một thời điểm cả hai hình thế kết hợp nên đã xảy ra hiện tượng mưa rất to, đạt đến mức lịch sử.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các trận mưa có tính cực đoan ngày càng gia tăng với tính chất ngày càng khó lường càng ngày càng lớn lên.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: khampha.vn

  Từ khóa: Quảng TRị , Nghệ An , bão

BÀI MỚI ĐĂNG