Chăm sóc sức khỏe

Báo động ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên

Hồ Bộc Nguyên nằm trên vùng giáp ranh giữa 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên; là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ dân TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và các vùng phụ cận thành phố. Tuy nhiên, trên các nhánh thượng nguồn của hồ Bộc Nguyên hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng do hạn chế về ý thức của một số người dân, cũng như thiếu sự quản lý của chính quyền các địa phương.

Báo động ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên
Đàn trâu, bò thả rông dọc các nhánh thượng nguồn là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lòng hồ.

Chúng tôi cùng các cán bộ Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh men theo tuyến đường rừng bao quanh thượng nguồn hồ Bộc Nguyên. Trên tuyến đường cách lòng hồ chỉ vài chục mét này, có không ít điểm tập kết gỗ tràm của các chủ rừng, tấp nập xe cộ và người dân bóc tách vỏ để làm nguyên liệu cho các nhà máy băm dăm. Với hàng chục chuyến xe tải xả hàng đều đặn mỗi ngày, việc bóc vỏ tràm diễn ra sôi động đã để lại một lượng vỏ khổng lồ, tràn ra hai bên mặt đường. Lượng vỏ cây không được thu gom, từng ngày bị thối rữa và chuyển thành dạng mùn; mỗi khi trời mưa, lòng hồ là nơi hứng trọn lượng mùn khổng lồ đen đặc bất đắc dĩ này.

Tại một điểm tập kết gỗ tràm, một người dân hành nghề bóc vỏ tràm nguyên liệu ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) khá dè dặt: “Công việc bóc vỏ tràm hầu như suốt năm, nắng cũng như mưa, chúng tôi đều có việc làm. Vì vậy, lượng vỏ cây chất thành đống trên đường là chuyện bình thường. Mặc dù thỉnh thoảng, các chủ rừng có tiến hành đốt bớt nhưng không thấm tháp gì so với lượng vỏ cây thải ra hàng ngày”.

Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào một điểm tập kết gỗ khác, không khí có vẻ tấp nập và ngột ngạt hơn. “Lượng vỏ ngày một chồng chất. Khi mưa to trôi bớt thì còn đỡ, chứ lâu trời không mưa như thế này, làm việc càng vất vả thêm” – một người bóc vỏ tràm than thở.

Hồ Bộc Nguyên cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân TP Hà Tĩnh và các địa phương phụ cận, nằm trên địa phận các xã: Thạch Điền (Thạch Hà), Cẩm Thạch và Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Công suất cấp nước của hồ hiện nay đạt 24.000 m3/ngày đêm. Trên tổng diện tích lưu vực 32 km2, có hàng ngàn ha rừng nguyên liệu của người dân bao quanh. Quá trình khai thác, kéo theo việc xả thải xuống lòng hồ, mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng.

Báo động ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên
Vỏ cây vương vãi ở nhiều nơi trên tuyến đường bao quanh thượng nguồn hồ Bộc Nguyên.

Không chỉ từng ngày hứng chịu nguồn phế phẩm thối rữa từ vỏ cây nguyên liệu, các khu rừng sau khi thu hoạch gỗ, được người dân đốt thảm nham nhở để tái sản xuất mà tình trạng trâu bò thả rông… cũng góp phần xả thải trực tiếp xuống lòng hồ. Bên cạnh đó, với hàng chục hộ dân Làng Vòng thuộc xã Thạch Điền đang sinh sống và sản xuất cạnh thượng nguồn, thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, về lâu dài là không thể tránh khỏi.

Điều mà những người làm công tác cấp nước cũng như những người quan tâm đến vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường trăn trở nhất hiện nay là, hầu hết các diện tích đất rừng bao quanh lưu vực hồ Bộc Nguyên đã được giao lâu dài cho người dân quản lý và sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc, các chủ rừng sẽ tự do sử dụng và khai thác diện tích đất rừng thuộc lưu vực của hồ Bộc Nguyên. Và tình trạng ô nhiễm nguồn nước như chúng tôi nêu trên gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân.

Ông Võ Văn Vinh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quản lý và bảo vệ nguồn nước hồ Bộc Nguyên khỏi bị ô nhiễm là việc tuyên truyền, vận động người dân trong khai thác và chế biến gỗ nguyên liệu ngay trên chính đất đai thuộc quyền quản lý của họ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như các diện tích đất rừng thuộc lưu vực hồ Bộc Nguyên được giao cho Công ty Cấp nước Hà Tĩnh quản lý, tạo thành diện tích rừng phòng hộ – vành đai xanh nhằm bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, hạn chế thiên tai và điều hòa vùng tiểu khí hậu…, thì mới được coi là giải pháp tối ưu.

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với cộng đồng. Để đảm bảo an toàn nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân, hoàn toàn tùy thuộc vào việc ứng xử với môi trường của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đây chính là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của mỗi cá nhân và tổ chức vì chất lượng cuộc sống.

TIẾN THÀNH/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP