Đời Sống

Báo động, 28% số vụ tai nạn lao động là tai nạn giao thông

Đây là thông tin được Ban chỉ đạo an toàn lao động quốc gia đưa ra trong buổi họp báo nhân Lễ phát động tháng hành động về an toàn lao động năm 2017.

Ông Mai Đức Chính – Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Ban chỉ đạo an toàn lao động Quốc gia cho biết, hiện nay công tác thống kê về tai nạn lao động đang gặp nhiều vấn đề lớn. Một trong những vấn đề nghiêm trọng chính là việc che giấu thống kê tai nạn lao động, thống kê không chuẩn.

“Xin nói thêm trong báo cáo năm nay thấy rằng tỉ lệ người bị tai nạn giao thông nhưng có yếu tố tai nạn lao động rất cao. 28% số vụ tai nạn lao động thuộc diện này, xếp thứ 3 trong bảng danh sách số vụ tai nạn lao động cao (dẫn đầu là tai nạn trong ngành xây dựng, tiếp theo là khai thác mỏ). Đa phần các vụ này diễn ra khi lao động đang trên đường đi làm việc hoặc đi làm về hoặc đang đi công tác. Trong trường hợp này lao động bị tai nạn giao thông cũng được coi là tai nạn lao động” – ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, do chưa có chế tài răn đe nên nhiều người dấu khai báo vụ tai nạn lao động, hoặc khai báo sai để trục lợi. Tới đây, đơn vị có liên quan cũng cần xem xét điều này.

Sập giàn giáo ở KCN Formosa (Hà Tĩnh) khiến 13 người chết

Trước ý kiến trên của ông Chính, ông Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục an toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, việc thống kê lâu nay phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của doanh nghiệp và địa phương cũng như cơ quan liên quan như bệnh viện. Tuy nhiên, có một thực tế là việc thống kê chưa thể chính xác và đầy đủ. Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, lao động chết, nhưng doanh nghiệp phối hợp với gia đình nạn nhân che dấu, chỉ đền bù tiền cho qua chuyện.

“Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế sửa Nghị định 95 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Theo đó, sẽ chú trọng hơn tới vấn đề xử phạt với những hành vi che dấu, hoặc khai báo sai các vụ tai nạn lao động” – ông Thắng nói.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm gần 862 người chết. Tai nạn xảy ra nhiều nhất trong lĩnh việc xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, hải sản. Thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại, thuốc men, mai táng là gần 180 tỷ đồng, hơn 98 nghìn ngày nghỉ do tai nạn lao động..

Năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện thống kê số vụ tai nạn lao động trong nhóm lao động phi kết cấu. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2016 đã có 44/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có báo cáo về số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực không có quan hệ lao động. Cụ thể trong nhóm ngành này đã xảy ra 393 vụ tai nạn lao động làm 445 người lao động gặp nạn. Số vụ tai nạn lao động gây chết người là 144 vụ, làm 151 người chết. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, như vụ tai nạn ngạt khí ở lò vôi (Hoằng Giang, Nông Công, Thanh Hóa) ngày 1.1.2016 làm 8 người chết, một người bị thương. Vụ tai nạn sạt lở vách đá tại Công ty Tuấn Hùng (Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa) làm 8 người chết vào ngày 22.1.2016.

Tháng an toàn vệ sinh lao động năm nay (2017) sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31.5 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Tác giả: Thùy Anh

Nguồn: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP