Địa Chí Hà Tĩnh

Bản tráng ca bất tử giữa đại ngàn Kẻ Gỗ

Trên mảnh đất Hà Tĩnh trong thời kỳ chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, ngoài các chảo bom, túi lửa như Đồng Lộc, Khe Giao mà ai cũng biết đến như những cột mốc hào hùng của cuộc chiến khốc liệt, thì bên cạnh đó, Sân bay Ly Bi huyền thoại cũng là một chiến trường ác liệt không kém. Từ những tư liệu lịch sử, từ những nhân chứng sống cho thấy Sân bay Ly Bi đã từng là tâm điểm đánh phá của kẻ thù, là nơi không biết bao nhiêu máu xương của người Việt Nam đã đổ xuống để bảo vệ căn cứ hết sức quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên.

Chiến tranh đã lùi xa, tiếng đạn bom gào thét đã không còn. Trong sự xô bồ của nhịp sống năng động hôm nay, trong hành trang kiến thức của thế hệ trẻ hôm nay, liệu có mấy ai biết đến địa danh Sân bay Ly Bi?

Để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại “cung đường chết” ngã ba Thình Thình – Sân bay Ly Bi, nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2014), Ngày Nay Online sẽ đăng tải loạt bài viết của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng như là lời tri ân đối với những con người đã hy sinh cuộc đời mình cho hòa bình, độc lập của đất nước, và đây cũng là lời thỉnh cầu khẩn thiết của hàng trăm anh linh chiến sỹ hy sinh đang nằm lại dưới lòng hồ Kẻ Gỗ…

Bài 1: Bản tráng ca bất tử giữa đại ngàn Kẻ Gỗ

Đường Trường Sơn 22A bắt nguồn từ ngã ba Thình Thình tới Đèo Ngang, một trong những tuyến lửa khốc liệt nhất, vĩ đại nhất  thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Gắn với lịch sử oai hùng của con đường này là sân bay Ly Bi huyền thoại cùng tấu lên bản tráng ca bất tử giữa trùng trùng, điệp điệp Trường Sơn và sông, núi muôn đời!

Sông – Núi đời đời vẫn sẽ còn mắc nợ với linh hồn của những người con đã anh dũng ngã xuống nơi tuyến lửa 22A kiêu hùng và khốc liệt có một không hai giữa bạt ngàn Trường Sơn ngày ấy. Trong muôn vàn sự hy sinh cao cả đó cần phải nói đến máu xương của những người lính, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ, cán bộ, công nhân nghành Lâm nghiệp và nhân dân địa phương từng tham gia xây dựng, chiến đấu và bảo vệ sân bay Ly Bi huyền thoại. Những con người ấy, những địa danh ấy đã tấu lên bản tráng ca vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Ngã ba Thình Thình là điểm giao nhau của Quốc lộ 22A và Quốc lộ 21A tại vùng núi giáp ranh giữa xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà) và xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên). Km0 của tuyến 22A bắt đầu từ đó xuyên theo rừng Trường Sơn qua các xã:  Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), vượt Đèo Ngang kết thúc tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) rồi rẽ sang tuyến 22B. Với chiều dài chỉ vỏn vẹn 66km, nhưng suốt cuộc chiến tranh không lúc nào ngớt tiếng bom, đạn. Đặc biệt, đoạn từ Cời (Km 5) đến dốc Xe Cháy (Km 22) đi qua sân bay Ly Bi còn được coi là “cung đường chết” luôn mịt mờ trong khói lửa.

Ly Bi là danh từ riêng của con rào Ly Bi nằm trên thượng nguồn đập thủy lợi Kẻ Gỗ, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, một cửa truông rào hết sức kỳ bí. Sân bay Ly Bi được xây dựng từ năm 1966 tại khu rừng thiêng này với diện tích trên 10Km2, là một sân bay chiến lược hết sức quan trọng nhằm phục vụ cho chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên. Đặc biệt, sân bay này có nhiệm vụ chống chiến dịch “Lam Sơn 719” của Mỹ – Ngụy, một đại chiến dịch leo thang táo tợn với âm mưu lập “vành đai lửa” từ Đèo Ngang sang tận Xê Pôn (Lào), cắt đứt toàn bộ tuyến chi viện của ta vào chiến trường Nam -Trung Bộ và Tây – Nam Bộ.

Hệ thống sân bay được xây dựng rất quy mô. Các loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của Liên Xô thời ấy đã từng cất, hạ cánh thử nghiệm an toàn, sẵn sàng cho các chiến dịch lớn. Chính vì tầm lợi hại của sân bay nên trong suốt cuộc chiến tranh, giặc Mỹ đã tập trung đánh phá xuống khu vực này hàng trăm ngàn tấn bom đạn. Trong đó có 29 kiểu bom phá, 13 kiểu bom sát thương, 8 kiểu tên lửa không đối đất. Trung bình mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu đựng từ 1đến 3 quả bom, đạn các loại. Bao nhiêu máu xương, của quân – dân ta đã gửi lại nơi này, mà tới nay hài cốt của họ vẫn còn lẫn khuất đâu đó chưa kịp về với đồng đội, quê hương.

Tham gia nhiệm vụ tại sân bay Ly Bi thời ấy có Trung đoàn Thép thủ đô, Trung đoàn tên lửa (Bộ tư lệnh PKKQ), Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân (QK 4), Tiểu đoàn 8 ( Bộ CHQS Hà Tĩnh); Tổng đội TNXP 353 và 355 chủ yếu gồm: TNXP Hà Tĩnh, Nam Hà (Hà Nam và Nam Định ngày nay), Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh BÌnh, Thanh Hóa; Các đơn vị công nhân Quốc Phòng, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành (nay là XN gạch ngói Cầu Họ), công nhân Ty Kiến trúc Hà Tĩnh, Lâm trường Cẩm Xuyên; dân quân tự vệ và  dân công hỏa tuyến các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Quang, Cẩm Vĩnh, Cẩm Bình…

Ông Dương Hữu Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, nguyên xạ thủ Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân từng tham gia chiến đấu bảo vệ sân bay xúc động nói: “Có những trận chiến thương vong cả trăm người, có người chết không tìm được xác; có xác chưa kịp chôn hoặc vừa chôn lại bị bom cày xuống, xới lên. Ác liệt nhất là trận trưa ngày 02 tháng 9 năm 1969. Hôm đó hàng đàn máy bay tiêm kích F 105 và FH 4 của giặc bất ngờ tập kích xuống trận địa pháo 37 li và 57 li của Trung đoàn Thép thủ đô tại đoạn Km10 làm 34 chiến sỹ của ta bị hy sinh tại chỗ và 18 chiến sỹ khác bị thương nặng giữa khi tuổi đời còn rất trẻ”.

Tội ác tày trời của giặc còn được đánh dấu bằng sự kiện ngày 07/01/1973 (28/12/1972 AL) khi hàng loạt máy bay B52 của chúng rải thảm xuống đoạn Km10 – Km17 gây thương vong cho ta một lúc tới gần 400 người. Trong số đó chỉ tính riêng TNXP Nam Hà, công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm Mỹ, công nhân Ty kiến trúc Hà Tĩnh đã bị hy sinh tại chỗ 128 người. Đại tá Nguyễn Thanh Triết, nguyên Chính trị viên Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên nói: “Trận oanh tạc đó, số người chết nhiều đến nỗi Ban cứu thương phải huy động hết số trứng gà, trứng vịt của dân xã Cẩm Mỹ để “đặt trốc” (trứng cơm úp đặt cúng trên đầu người chết) mà vẫn không đủ”.

Bà Nguyễn Thị Đàn (70 tuổi) ở thôn Vĩnh Lợi, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên), nguyên công nhân Ty  Kiến trúc Hà Tĩnh được điều về C2, D 723 công nhân Quốc phòng phục vụ sân bay Ly Bi bị cụt một tay trong trận đó nghẹn ngào ôn lại: “Nhiệm vụ của đơn vị tôi lúc ấy chủ yếu ban ngày mang giỏ cây sim, mua rải kín sân bay làm ngụy trang, đêm về thu dọn để cho máy bay ta hoạt động. Công việc tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức đặc biệt, nên sống, chết chỉ trong gang tấc. Điều khiến tôi trăn trở nhất là sau sự kiện đó, tới ngày 27, tháng 01, năm 1973 Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tức là chỉ 20 ngày nữa là ngừng bắn mà tổn thất lớn quá!”


Bà Nguyễn Thị Đàn, nhân chứng sống từ chiến trường sân bay Ly Bi.
Hôm đó, trong lán trại của bà có 8 người thì có tới 6 người chết, 02 người bị thương là bà với ông Cũng; lán bên cạnh có 8 người thì chết mất 7, còn lại mình bà Nguyễn Thị Lan quê ở thị xã Hà Tĩnh bị bom cắt mất một phần mông. Bà Nguyễn Thị Tân (69 tuổi) cùng quê với bà Đàn hiện sống với con tại Đồng Nai, nguyên công nhân Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành được điều về C3, D723 bị thương trong trận oanh tạc đó tâm sự với chúng tôi qua điện thoại, nhưng phải ngắt quãng nhiều lần vì quá xúc động. Được biết, đơn vị của bà hôm đó có 27 người thì đã bị chết 18 người, số còn lại đều bị thương.

Cụ Phan Khắc Lịch (94 tuổi) ở thôn Quang Trung, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên), nguyên Đội trưởng Đội khai thác Cẩm Duệ – Lâm trường Cẩm Xuyên. Đơn vị của cụ có nhiệm vụ cung cấp gỗ phục vụ chiến trường, trong đó trực tiếp bắc các cầu Rào Cời, Rào Len, Rào Bưởi từ Km 9 đếm Km 15 cho biết: Từ đó tới nay đã tròn 40 năm mà không đêm nào cụ có thể chớp mắt được. Bởi cảnh tượng máu me, xương, thịt cháy khét lẹt và tiếng tiếng kêu chết chóc. Riêng đơn vị của cụ trực tiếp chôn cất 37 thi thể và bốc lên xe ô tô 360 thi thể chở đi chôn cất ở các nghĩa trang dã chiến khác rải rác dọc tuyến.

Cuộc đời của cụ Lịch giờ như chiếc bóng hắt lên những tia hoàng hôn cuối cùng nơi rặng núi. Cụ vén tà áo bạc của mình lau lấy những giọt nước mắt mà than thở với đất trời rằng, trước khi sự kiện tang thương ấy xẩy ra chỉ vài hôm thôi, đội của cụ đã khai thác được hàng trăm m3 gỗ. Nhưng thật tiếc, bởi số gỗ ấy đã được vận chuyển đi nơi khác. Hôm đó, trong lán trại không còn một tấc gỗ nào để đóng hòm. Nên ngoài một số hòm vay mượn được của dân địa phương, hầu hết các thi thể đều phải khâm liệm bằng ni lông, tăng, võng.


Cụ Phan Khắc Lịch

Có lần, có một nữ TNXP tuổi đời mới 22 tên là Trần Thị Thi quê ở Nam Hà rất xinh đẹp, bị thương ở đoạn Km21. Trên đường đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh sơ tán tại Thạch Hương. Tới lán trại đơn vị của cụ Lịch chỉ cách bệnh viện chừng chưa đầy 10km, nhưng biết không qua nổi cái chết nên cô Thi yêu cầu đồng đội dừng lại xin một ca nước uống rồi đề nghị hát tặng anh em công nhân một bài. Hát xong cô lịm dần rồi tắt thở trong vòng tay anh em công nhân. Theo cụ Lịch, trong đời cụ chưa bao giờ được nghe ai hát hay như thế. Câu chuyện làm ta liên tưởng đến một con chim xanh bị trúng thương trong bụi mận gai. Trước khi dã từ cuộc sống, con chim đó đã hót lên những tiếng hót hay nhất giữa thiên hà vũ trụ.

Thi thể của cô Thi được chính cụ Lịch và đồng đội cô bọc trong một tấm ni lông chôn cất gần đó. Mộ không có bia, chỉ có một hòn đá to do cụ đặt để làm dấu. Bom đạn triền miên, đơn vị của cụ chuyển đi nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều lần cụ trở lại nơi đó cốt để thắp hương cho cô, nhưng tìm mãi vẫn không thấy ngôi mộ ở đâu nữa. Sau ngày giải phóng mọi người lo bắt tay ngay vào việc xây dựng đập thủy lợi Kẻ Gỗ. Đập có trữ lượng hơn 350 triệu m3 nước làm ngập hàng Km đường 22A nên rất có thể hài cốt của cô Thi đang bị vùi lấp dưới đó.

Những năm hạn hán kéo dài, mực nước Kẻ Gỗ có lúc xuống dưới điểm chết, ta có thể phát hiện thấy nhiều ngôi mộ nổi lên dưới đáy hồ. Riêng đoạn Km 6 có hẳn cả một nghĩa trang với hàng trăm ngôi. Đoạn Ngầm Sen ở Km 19 có cả nghĩa trang với hàng chục ngôi… Theo số liệu thống kê  của Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên thì từ năm 1997 lại nay Ban CHQS huyện đã phối hợp cất bốc ba đợt, tổng cộng được 90 bộ hài cốt về an táng tại Nghĩa trang LS Cẩm Xuyên, hầu hết các bộ hài cốt đều chưa xác định được tên tuổi.

Bao nhiêu năm rồi, dường như khói sương vẫn lạnh ngắt, bủa giăng khắp chốn này như u uẩn điều gì. Nhiều người qua lại đây vẫn thường “thấy” các chị, các cô bận đồ trắng tắm, gội bên bờ hồ hay nơi cửa rào, cửa lạch. Ông Nguyễn Phi Công, nhân viên Ban QL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ khẳng định: “Khu vực này nơi nào cũng thiêng, nhưng thiêng nhất là cửa rào Ly Bi đoạn Km14 – Km15. Từ trước lại nay không có ai dám tới đây chặt gỗ, đánh bắt cá hoặc lùa trâu, bò ra ăn cỏ… bởi họ sợ động đến thi thể của những người chết đang nằm lại đâu đó!”

Từ những hiện tượng đó và thông qua sự chỉ dẫn tỉ mỉ của những người là nhân chứng sống  từng tham gia xây dựng chiến đấu và bảo vệ sân bay Ly Bi thời đó, tập thể cán bộ, công nhân Ban QL- Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã đứng ra kêu gọi xây dựng Miếu thờ các Anh hùng Liệt sỹ tại cửa rào Ly Bi. Ý nguyện đó nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Sở Giao thông công chánh T.P Hồ Chí Minh, Công ty CP Lạc An T.P Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức, cá nhân.

Việc khảo sát đo đạc xây dựng Miếu thờ Ly Bi ngay sau đó được triển khai nhanh. Không ngờ trong quá trinh thực hiện, những tình nguyện viên còn phát hiện thấy rất nhiều gương, lược, đồ nữ trang rải rác quanh vùng nên càng thôi thúc họ hoàn thành công việc sớm hơn. Không ai nghĩ rằng chỉ trong một thời gian ngắn mọi công việc đều được tiến hành một cách hết sức suôn sẻ. Ngày 8/9/2011 thì công trình được khởi công và khánh thành ngày 25/4/2012. Và nhân đó, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, ngày 22/7/2012 UBND huyện Cẩm Xuyên đã đứng ra tổ chức đại lễ cầu siêu cho vong linh các Liệt sỹ được chu đáo.


Miếu thờ các anh hùng liệt sỹ tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ

Dẫu chưa xứng với sự hy sinh to lớn của quân – dân ta, nhưng việc nâng cấp Miếu thờ Ly Bi và xây dựng khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ là việc làm sức cần thiết nhằm tri ân những người đã anh dũng hy sinh tại nơi này. Xuất phát từ cách nhìn thực tế đó, ngày 09/7/2012 UBND huyện Cẩm Xuyên đã ra Quyết định 4178/QĐ-UBND  về việc thành lập “Ban biên tập lịch sử, di tích và vận động xây dựng, quản lý Miếu thờ các anh hùng liệt sỹ tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ” nhằm trả lại những giá trị công bằng của lịch sử, đồng thời phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn và giáo dục cho các thế hệ mai sau về niềm tự hào của quê hương đất nước đối về một thời vẻ vang ở nơi đây.

Chiến tranh ngày một lùi xa, cung đường được coi là công trình kỳ công, kỳ vĩ và kỳ bí nhất giữa đại ngàn Trường Sơn với bao nhiêu kỷ niệm về một thời đạn bom, máu lửa vẫn dường như còn nóng hổi trong tâm trí bao người. Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc trong cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” đã từng tập kết tại cung đường này sau một thời gian ém quân tại vùng núi xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), rồi từ đó hành quân vào chiến trường cũng đã kịp để lại những dòng lưu bút đầy cảm xúc, là những giá trị vô giá cho các thế hệ mai sau.

Năm 1972, hồi gia đình tôi còn sơ tán ở xã Thạch Tân (Thạch Hà), tôi đã được chứng kiến sự kiện giặc Mỹ rải hơi cay xuống ngã ba Thình Thình. Theo chiều gió, hơi cay đã làm tôi suýt bị chết ngạt. May mà mẹ tôi kịp lấy khăn nhúng nước đắp lên mũi cho tôi và đưa tôi đi cấp cứu, tôi mới sống lại đến ngày hôm nay. Nhờ nghề thợ may, sau cảnh tượng khủng khiếp đó mẹ tôi đã gom vải vụn may hàng trăm chiếc khẩu trang biếu bà con quanh xóm và người qua đường. Giờ thì mẹ tôi đã về cõi vô vi mà cung đường lửa khói một thời vẫn còn đó với bao lời nhắn nhủ giữa nắng, mưa luân hồi…

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Vượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP