UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tổ chức bán đấu giá đất với giá "trên trời" tại khu vực vẫn là cánh đồng lúa. Ảnh: Trần Tuấn. |
Dư luận tại Hà Tĩnh xôn xao về sự việc UBND huyện Đức Thọ tổ chức bán đấu giá 9 lô đất ở tại khu vực xã Lâm Trung Thủy với giá “trên trời”. Trong đó, giá khởi điểm 8 lô, loại 160m2/lô là 3,52 tỉ đồng, một lô hơn 263m2 giá hơn 4,737 tỉ đồng. Phiên đấu giá đã được thông báo rộng rãi, nhưng không có ai tham gia, vì mức giá khởi điểm quá cao.
UBND huyện Đức Thọ tổ chức bán đấu giá khi chưa chi trả tiền bồi thường cho các hộ nông dân có đất bị thu hồi, chưa xây dựng hệ thống hạ tầng. Các lô đất ở được quy hoạch trên giấy và bán khi thực địa là cánh đồng lúa xanh rờn. Tình trạng bán đất khi chưa hoàn thiện hạ tầng diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thông báo bán đấu giá đất ở khu vực nông thôn với mức giá “khủng“. Ảnh: TT |
Việc bán đấu giá đất ở nhằm tạo nguồn thu ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, đấu giá càng cao ngân sách càng có lợi, nhất là ở khu vực khó khăn về nguồn thu. Tuy nhiên, việc ồ ạt, vội vã tổ chức bán đấu giá đất trong thời điểm sốt đất sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Tại nhiều địa phương, hầu hết các lô đất đấu giá được mua để đầu tư, kinh doanh kiếm lời chứ không phải phục vụ nhu cầu thiết yếu về nhà ở, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Trong thời điểm sốt đất, việc địa phương bán đấu giá sẽ tạo thêm nguồn cung cho thị trường, làm cho tình hình giao dịch càng thêm nóng, kích thích người dân lao vào đầu tư bất động sản.
Mặt khác, việc tạo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất là hướng đi không bền vững. Đất đai bán mãi cũng hết, và chỉ bán được một lần. Quỹ đất ở ngày càng phình to, làm thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp.
Đất ở bao phủ khắp nơi, sẽ là lực cản cho công tác quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án trong tương lai. Tâm lý tranh thủ quy hoạch, bán đất để tạo nguồn thu là tư duy bóc ngắn cắn dài sẽ gây nhiều hệ lụy.
Thiết nghĩ, các địa phương cần rà soát tổng quỹ đất ở hiện có, đánh giá nhu cầu đất ở của người dân trong tương lai, từ đó có quy hoạch tổng thể, ưu tiên dành quỹ đất cho các mục tiêu an ninh lương thực, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao.
Trước mắt cần chỉ đạo tạm dừng, hạn chế việc chia lô, đấu giá đất tại các vị trí có giá trị sinh lời cao và thuộc đất sản xuất nông nghiệp. Chỉ có phát triển trí tuệ, đầu tư phát triển công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường mới là hướng phát triển bền vững.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao Động