Phóng sự - Ký sự

Bài 2: ‘Xẻ thịt’ thú rừng: Sẵn sàng phục vụ khách 24/24h

Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện không ít vụ buôn bán động vật hoang dã nhưng tình trạng xẻ thịt thú rừng vẫn tiếp diễn và hoạt động ngày càng tinh vi.

Như đã phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng xẻ thịt thú rừng tiếp tục tái diễn và công khai. Bên cạnh việc rao bán trên mạng xã hội hay xẻ thịt bán ngay tại dọc đường, việc các ông bà chủ tìm mối mua thịt thú rừng để phục vụ thực khách trên bác bàn nhậu cũng ngày càng phổ biến. Thế nhưng, lực lượng chức năng vẫn khó bề xử lí triệt để.

Xem thêm Clip xẻ thịt thú rừng tại đây:

Thịt thú rừng bày bán công khai

Trong vai thực khách, PV Người Đưa Tin đến một nhà hàng đặc sản rừng có tiếng ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhìn vào thực đơn đặt trên bàn, hầu như tất cả các loạt thú rừng đều đang “quy tụ” tại quán này. Và thực tế, qua quan sát nhanh trong tủ đông lạnh, những con vật như chồn, nhím, lợn rừng, tê tê, hón, nai đã được thịt sẵn dường như đã sẵn sàng, kịp thời đáp ứng khách bất cứ lúc nào.

 Tintuchatinh

Thịt thú rừng luôn có sẵn tại các nhà hàng.

Một nhân viên của quán cho biết, đa phần thú rừng bán ở đây nhập từ các mối hàng quen cung cấp thường xuyên, số ít được mua từ dân đi bẫy. Giá của chúng giao động từ 1- 6 triệu đồng/kg, nếu có nhu cầu các loại thịt thú còn tươi sống thì giá bán cao hơn.

Sau một hồi chuyện trò, chúng tôi được một người dẫn đến nhà của một dân buôn thịt rừng chuyên nghiệp ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Trong gian phòng chưa đầy 30m2 với mọi loại chuồng đủ kích cỡ có đầy đủ các loại thú như chồn, hón, tê tê, nhím… Khách có thể lựa chọn bất cứ loại nào tùy thích.

Bài 2: ‘Xẻ thịt’ thú rừng: Sẵn sàng phục vụ khách 24/24h - Ảnh 2

Những loại động vật quý bị nhốt có thể bị xẻ thịt bất cứ lúc nào.

Khi hỏi về giá cả, được biết tùy theo từng loại thú, cân nặng, thịt sống hay đã chết để định giá và giá có thể lên, xuống theo thị trường. Trung bình các loại chồn sống có giá từ 1 – 2 triệu đồng/kg; tê tê có giá 3- 4 triệu đồng/kg; lợn rừng và hón, nhím giá giao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị H. (SN 1975), trú tại huyện Quảng Bình, là một dân thường xuyên bán thịt thú rừng trên đoạn đường thuộc địa bàn xã Lệ Thủy cho biết: “Tôi bán ở đây đã lâu, số lượng khách mua rất đông dù giá các loại thú đắt hơn các loài thịt khác rất nhiều. Trung bình mỗi ngày, tôi bán từ 1- 2 con lợn rừng, thi thoảng có nai và nhím nữa. Thịt của tôi bán chủ yếu là mua lại của dân đi bẫy”.

Bài 2: ‘Xẻ thịt’ thú rừng: Sẵn sàng phục vụ khách 24/24h - Ảnh 3

Số lượng thịt thú rừng bán dọc đường khá “chạy”.

Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh?

Chia sẻ về thực trạng xẻ thịt thú rừng, ông Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Việc săn bắt và xẻ thịt động vật rừng đã làm ảnh hưởng lớn đến sự đa dạng sinh học, giảm hẳn số lượng về loài. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo phòng bảo tồn phối hợp với đội kiểm lâm cơ động thường xuyên đi kiểm tra, rà soát để thắt chặt hơn tình trạng này”.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo cho hay: “Hiện nay, bên đơn vị đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến một cách quyết liệt tình trạng mua bán, săn bắt thú rừng đến người dân dân tại địa bàn”.

Bài 2: ‘Xẻ thịt’ thú rừng: Sẵn sàng phục vụ khách 24/24h - Ảnh 4

Thịt các loại động vật quý hiếm được rao bán ngày càng công khai.

Rõ ràng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã và đang phối hợp tổ chức tuần tra, thắt chặt các đường tiểu ngạch, cánh gà, kiên quyết triệt phá các đường dây vận chuyển động vật hoang dã từ Lào về Việt Nam nhưng, tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều phương thức tinh vi.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, lực lượng chức năng cần thực hiện quy chế phối hợp, tuyên truyền, thanh kiểm tra giữa các ngành chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Thiết nghĩ, để xảy ra tình trạng này, bên cạnh ý thức của người dân, một phần do chế tài xử lý người, phương tiện tham gia vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã có lẽ vẫn chưa đủ mạnh, nên các “đầu nậu” vẫn ngang nhiên hoạt động. Chính vì thế, các đơn vị hữu trách cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn, xử lí triệt để, góp phần bảo tồn, bảo vệ các loại thú rừng, động vật quý hiếm.

Ngân Hà – Quốc Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP