Vòng quay Thể thao

Anh Khoa giải nghệ và nỗi hổ thẹn của bóng đá bạo lực

Nạn nhân của Quế Ngọc Hải đã sớm giã từ sự nghiệp. Nhưng Anh Khoa chỉ là một trong nhiều cầu thủ mất nghề vì bạo lực, và đó mới là nỗi ê chề của cả nền bóng đá.

Tám trăm triệu, hoặc là nhiều hơn con số đó, bây giờ cũng trở thành vô nghĩa đối với một hậu vệ treo giày ở tuổi 26.

Các vị lãnh đội Sông Lam Nghệ An và Đà Nẵng từng tranh khôn tranh dại, xỉa xói, móc máy nhau nào là keo kiệt, nào là vô trách nhiệm…, bây giờ cũng trở thành vô nghĩa đối với một bệnh nhân không bao giờ tìm lại được bước chạy của mình.

Anh Khoa đã không thể thi đấu trở lại sau cú triệt hạ của Ngọc Hải.

Quế Ngọc Hải dù có “sởn tóc gáy” như anh tâm sự hay “chẳng day dứt gì đâu” như Chủ tịch Bùi Xuân Hòa của Đà Nẵng nói về anh, bây giờ cũng trở thành vô nghĩa đối với một đối thủ – đồng nghiệp đã sớm có “phúc phận” chuyển công tác đào tạo trẻ.

Không nhiều người bất ngờ với cái kết buồn của Anh Khoa, ngày bước lên bàn mổ ở Singapore, tiên lượng về khả năng trở lại sân cỏ của anh đã chỉ còn rất nhỏ. Nhưng chẳng ai có thể tự đặt mình vào vị trí của anh để thấu được nỗi đau vô tận ấy.

Người ta chỉ có thể thấy gương mặt ủ rũ của hậu vệ sinh năm 1991 khi anh gượng gạo nói một câu xã giao: “Tôi không trách Quế Ngọc Hải”. Thì cũng phải thôi, trách móc đâu có mở lại được cánh cửa tương lai đã đóng sập bởi một cú tắc kinh hoàng.

Có thể rất nhanh sau đây, cái tên Anh Khoa sẽ chìm vào quên lãng, và người ta chỉ còn nhắc đến anh khi xảy ra những ca tương tự. Những ca tương tự, điều này thì dễ lắm, vì trên sân cỏ Việt, những chiếc “máy chém” hiện diện ở bất cứ đâu.

Ngọc Hải sốc khi nghe tin nạn nhân của mình giải nghệ, nhưng điều đó phỏng có ích gì? Ảnh: Quốc Bảo.

Quay về quá khứ, Đình Đồng hồi còn ở SLNA cũng từng đạp gãy chân cầu thủ đồng hương Anh Hùng (An Giang). Mota, một cầu thủ nhập tịch với cái tên Đinh Văn Ta cũng đánh dấu mùa giải chia tay Ninh Bình bằng cú song phi nhằm thẳng ngực đối thủ Danny của Long An.

Chỉ ít ngày sau khi Anh Khoa nhập viện, đến lượt Abbas của Bình Dương cũng gãy chân vì cú vào bóng của Thanh Hào. Nụ cười hiền lành và cái giơ tay đầy nghĩa hiệp của Abbas trên giường bệnh cũng không thể xua đi màu bạo lực nhuốm đầy V.League thời điểm đó.

Năm ngoái, Trịnh Duy Long chỉ một tích tắc nữa thôi cũng vỡ gối khi dính cú phi thân đạp bóng của Bửu Ngọc (Cần Thơ). Nhưng sau chấn thương này, biểu đồ phong độ ấn tượng của anh bị ngắt giữa chừng, và từ một tiền dạo dội bom của Sài Gòn FC, giờ thì anh phải ngồi dự bị dài dài ở CLB Hà Nội.

Gần cuối mùa giải 2016, V.League còn chứng kiến một hình ảnh rùng rợn khi hậu vệ Tuấn Tú (Quảng Ninh) tung hết quyền cước nhắm đến Văn Học (Đà Nẵng). Án treo giò 3 trận và 15 triệu tiền phạt được cho là quá nhẹ so với mức độ ác ý của pha bóng đó.

Mới đây, đầu mùa giải 2017, Châu Ngọc Quang (HAGL) cũng bị ám ảnh bởi pha… hiệp đồng tác chiến của hai cầu thủ Hà Nội là Văn Kiên và Samson. Điều đáng nói là sau khi “mổ băng” tình huống đó, VFF bỏ qua luôn Văn Kiên, còn Samson thì năm lần bảy lượt được “đánh tráo khái niệm” nhằm phủi lỗi.

Biết giải thích thế nào về “thiện chí” đó của VFF, ngoài sự dung dưỡng, bao che cho bạo lực, vấn nạn cũng tàn phá bóng đá nội không kém gì cơn bão trọng tài? Dĩ nhiên, VFF cũng chọn mặt mà… che và chọn mặt mà… đe, nhưng rốt cuộc, sau những gì đã diễn ra, bạo lực sẽ không bao giờ chết.

Đơn giản là vì bạo lực đã được ươm mầm từ trong cội rễ của nền bóng đá.

Trần Anh Khoa sinh ngày 28/7/1991. Anh chơi ở vị trí tiền vệ của CLB Đà Nẵng từ mùa giải 2013. Tuy nhiên, mới chỉ chơi bóng chuyên nghiệp được 2 năm, tiền vệ sinh năm 1991 phải nói lời chia tay sự nghiệp sau pha vào bóng của đồng nghiệp Quế Ngọc Hải (SLNA) ở trận đấu ngày 13/9/2015.

Quốc Bảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP