Tin Hà Tĩnh

Ai 'phù phép' biến hàng chục nghìn m2 đất lâm nghiệp thành đất ở?

Đang canh tác có hiệu quả trên diện tích 11,7ha đất lâm nghiệp được nhà nước giao từ năm 1991, bỗng một ngày ông Nguyễn Thức, trú tại khối 16 thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) phát hiện gần 3ha đất của mình “không cánh mà bay”.


Mập mờ đất lâm nghiệp – đất ở

Ông Nguyễn Thức trình bày, năm 1991 ông được UBND huyện Hương Khê giao và cấp sổ lâm bạ diện tích 11,7ha tại lô 12, khoảnh 1 xã Gia Phố (nay thuộc địa bàn hành chính xã Gia Phố và một phần thị trấn Hương Khê – PV) để phát triển rừng sản xuất.

Ông Thức bức xúc cho rằng chính quyền đã cấp bìa hơn 2,8ha chồng lên đất đã giao cho ông từ năm 1991

Thời hạn được giao đất là 50 năm. Sau khi được giao đất ông Thức đầu tư vốn để trồng keo. Đến năm 2005 do thiếu vốn và gia đình neo người nên ông Thức liên kết với hộ ông Dương Đình Huân và Nguyễn Huy Hùng – trú tại thị trấn Hương Khê bỏ vốn trồng rừng, ăn chia lợi nhuận theo thỏa thuận. Quá trình hợp tác các bên đều thực hiện đúng theo cam kết, diện tích được giao đất phát triển hiệu quả.

Năm 2013, sau khi khai thác xong diện tích đến tuổi thu hoạch, chuẩn bị đất trồng lứa keo mới ông Thức tá hỏa phát hiện gần 3ha đất của mình đã bị “phù phép” chuyển cho hộ ông Trần Xuân Thạch, ở khối 7, thị trấn Hương Khê 21.129m2 cũng để trồng rừng; chuyển cho bà Nguyễn Thị Sâm, ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê 3.966m2 (300m2 đất ở); ông Ngô Hồng Sơn, xã Hà Linh 1.750m2 (300m2 đất ở) và ông Mai Văn Ngân, tổ 18 thị trấn Hương Khê 1.950m2 (300m2 đất ở và hiện UBND huyện Hương Khê đang chuẩn bị cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ này với diện tích 3.135,9m2).

“Tôi biết đất của mình bị chiếm dụng từ thời điểm đó nhưng vì chưa có bằng chứng nên bây giờ đủ cơ sở tôi mới viết đơn tố cáo. Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải sớm làm rõ, trả lại đất cho nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho gia đình tôi”, ông Thức nói.

Năm 1991 ông Thức được UBND huyện Hương khê cấp sổ lâm bạ diện tích 11,7ha

Phát hiện vụ việc có nhiều bất cập, PV NNVN đã gõ cửa các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ. Theo đó, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nguyễn Quang Hào và ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TN-MT huyện Hương Khê đều khẳng định, sổ lâm bạ với diện tích 11,7ha cấp cho hộ ông Nguyễn Thức đang có giá trị. Ông Hào nói: “Hồ sơ lưu tại Hạt cho thấy diện tích đất giao cho ông Thức (có phần diện tích tranh chấp 2,8ha – PV) đang giữ nguyên trạng từ năm 1991 đến nay và vẫn là đất lâm nghiệp, chưa có tác động thay đổi về sở hữu khác”. Tuy nhiên, ông Lập lại cho rằng: “Theo hồ sơ, các lô này (gần 3ha - PV) nằm ngoài đất ông Thức nên việc làm rõ diện tích đang tranh chấp là đất ở hay đất lâm nghiệp chưa xác định được!”.

Ông Phan Quốc Lập cho biết thêm, khu vực đất tranh chấp đã đươc quy hoạch đất ở và cấp cho các hộ: ông Sơn, ông Ngân và bà Sâm. Thế nhưng, khi PV truy vấn, huyện lấy cơ sở nào để năm 2003 cấp đất ở cho các hộ trên, phía Phòng TN-MT không trả lời được.

Đều nằm cùng dãy quy hoạch nhưng một số lô được cấp đất ở, có lô lại cấp đất lâm nghiệp

Theo tìm hiểu của PV, quy hoạch chi tiết đất ở khu vực thị trấn Hương Khê mới được huyện Hương Khê phê duyệt vào năm 2014.

Cấp đất trái quy định?

Căn cứ hồ sơ PV thu thập được và phản ánh của nguyên đơn, cả 4 GCNQSDĐ cấp cho hộ ông Thạch, ông Ngân, bà Sâm, ông Sơn đều “có vấn đề”, thậm chí một số hồ sơ có biểu hiện làm giả giấy tờ, đề xuất cấp đất trái quy định pháp luật (?!).

“Bất thường” đầu tiên nằm ở 2 lô đất cấp cho bà Sâm và ông Sơn (ông Sơn là con trai bà Sâm – PV). Theo đó, 2 hộ này cùng nhập hộ khẩu đến xã Gia Phố ngày 20/6/2000. Tuy nhiên, trước đó, ngày 5/6/1999 ông Sơn đã đệ đơn xin cấp 1.750m2 đất động cao ngoài xóm 9 và sau đó là đơn của bà Sâm (ngày 15/6/1999) cũng đề nghị cấp 1.750m2. Đến ngày 18/7/1999, chủ tịch UBND xã Gia Phố nhanh chóng xác nhận khu vực đất 2 mẹ con bà Sâm xin cấp "không có tranh chấp, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết".

Như vậy chỉ chưa đầy một tháng nhập khẩu về địa phương, 2 mẹ con bà Sâm đã được UBND xã Gia Phố đề nghị cấp 2 lô đất theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, xin cấp đất trước, nhập hộ khẩu sau. Dư luận đặt nghi vấn hồ sơ đề nghị cấp đất cho 2 mẹ con bà Sâm được xây dựng “thần tốc” là nhờ “mối quan hệ” thân thiết với Chủ tịch UBND huyện (ông Phan Văn Tích) đương nhiệm thời điểm đó (bà Sâm là thông gia với ông Tích – PV)?.

Ông Sơn viết đơn xin cấp đất trước khi nhập khẩu về xã Gia Phố nhưng vẫn nhanh chóng được địa phương này chấp thuận

Theo hồ sơ Phòng TN – MT huyện Hương Khê cung cấp, năm 2003 ông Ngô Hồng Sơn được cấp 1.750m2 tại xóm Phố Hương, xã Gia Phố; trong đó, 300m2 đất ở, còn lại là trồng cây lâu năm. Đến năm 2011 lô đất này ông Sơn làm hơp đồng cho tặng ông Ngô Tuấn Dũng (trú tại tổ 3, thị trấn Hương Khê). Tháng 9/2012, ông Dũng chuyển nhượng lại cho ông Trần Xuân Thạch. Lô đất của bà Sâm (mẹ ông Ngô Tuấn Dũng và ông Sơn) cũng được cấp vào thời điểm này, với diện tích 1.750m2 nhưng ngày 10/8/2012 khi cấp đổi GCNQSDĐ mới thì diện tích nhân lên đến 3.966m2, trong đó có 300m2 đất ở. Lý do được đưa ra là diện tích cấp ban đầu không đúng với hiện trạng sử dụng đất. Đến ngày 25/9/2012 bà Sâm cũng chuyển nhượng lô đất này cho ông Trần Xuân Thạch.

Đối với hồ sơ hộ ông Mai Văn Ngân, theo lý giải của phòng TN-MT, năm 1988 UBND huyện Hương Khê ban hành quyết định cấp cho hộ này 1.800m2, trong đó 300m2 đất ở. Nhưng mãi đến năm 2013 mới cấp GCNQSDĐ với diện tích 1.950m2. Tuy nhiên, trên bản đồ quản lý của huyện thể hiện, diện tích sử dụng thực tế của lô đất này là 3.135,9m2. Đáng bàn là đối chiếu quyết định cấp đất năm 2003 (các giới hạn giáp ranh) với vị trí thực địa thì lô đất cấp cho ông Ngân chính là lô hộ này đã và đang sinh sống ổn định mấy chục năm qua chứ không phải lô đang nằm trong khu vực tranh chấp?.

Giải thích về việc liên tục cấp tăng diện tích lô đất của ông Ngân, Trưởng phòng TN-MT Hương Khê nói: “Do quá trình dẫn đạc, đơn vị tư vấn đo đất và “dân chỉ”, đất này không có tranh chấp nên diện tích cấp tăng lên hơn 3.100m2. Còn việc xác định ranh giới lô được cấp năm 1988 với lô đang xảy ra tranh chấp cho phải là một hay không thì phòng chưa xác định được!”.

Kế bên lô đất của các hộ dân trên là 21.129m2 đất lâm nghiệp cấp cho ông Trần Xuân Thạch. Theo ông Nguyễn Thức, diện tích này huyện Hương Khê cũng đã cấp chồng lên đất đã cấp cho ông trước đó và đây là bộ hồ sơ đề nghị cấp đất sơ sài, chưa đúng với quy định pháp luật nhất mà ông từng thấy.

Hồ sơ đề xuất cấp đất cho hộ ông Thạch được cho là không đúng theo quy định pháp luật

Cụ thể, năm 2002 ông Thạch viết đơn đề nghị UBND xã Gia Phố cấp 2ha đất để trồng rừng, sau đó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lương xác nhận “thống nhất cho làm thủ tục đảm bảo đúng luật đất đai”. Tháng 3/2012, xã Gia phố chuyển diện tích này cho thị trấn Hương Khê quản lý, sau đó đề nghị thị trấn xem xét xây dựng lại hồ sơ cấp đất cho ông Thạch. Ngày 27/11/2012 ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê gửi tờ trình đề nghị UBND huyện giao đất, giao rừng cho ông Thạch. Ngay sau đó, việc thẩm định hồ sơ nhanh chóng được phòng TN-MT thông qua.

Vấn đề đáng bàn ở đây là mặc dù chưa có quyết định cấp đất nhưng từ năm 2002 ông Thạch đã canh tác trái quy định trên diện tích này. Đặc biệt, căn cứ mà UBND thị trấn, Phòng TN – MT sử dụng để đề xuất UBND huyện Hương Khê cấp đất cho ông Thạch chỉ có Đơn của hộ dân và Tờ trình “hợp thức hóa” của UBND thị trấn. Sở dĩ gọi là tờ trình “hợp thức hóa” bởi UBND thị trấn viện dẫn Biên bản họp Hội đồng tư vấn xét cấp đất đai ngày 25/10/2012 để làm cơ sở xây dựng tờ trình nhưng chính Biên bản này đã không có giá trị vì chỉ có 3/8 thành viên trong Hội đồng ký vào Biên bản.

Chỉ có 3/8 thành viên ký vào Biên bản họp hội đồng tư vấn xét cấp đất cho hộ ông Thạch

Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TN-MT huyện thừa nhận: “Biên bản này là không đúng và đây là lỗi về thủ tục hành chính của địa chính thị trấn và ông Ninh chủ quan không xem xét Biên bản trước khi làm tờ trình!”. Vị Trưởng phòng cũng cho rằng, sở dĩ ông Thạch sản xuất trên diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ là do ông Thạch nghĩ đã có xác nhận “thống nhất cho làm thủ tục đảm bảo đúng luật đất đai” của xã Gia Phố. Huyện cũng lấy đơn này làm căn cứ xem xét để cấp đất cho ông Thạch!

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP