Về vấn đề này, Luật sư Dương Kim Sơn – Giám đốc công ty luật TNHH TGT và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: sau phiên tái thẩm, nếu Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xác định ông Chấn không phạm tội thì cơ quan chức năng liên quan cần phải tiến hành ngay việc bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự cho ông Chấn theo quy định của pháp luật, để ông sớm được minh oan và tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, cần xem xét và xử lý trách nhiệm cá nhân của những người tiến hành tố tụng đã để xảy ra vụ việc này theo quy định của pháp luật.
Luật sư Sơn viện dẫn: Theo quy định tại Khoản 2 – Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội giết người thì Toà án cấp phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội) tuyên ông Chấn có tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn các khoản sau:
Thứ nhất là thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Trong trường hợp trước khi xảy ra vụ việc, nếu ông Chấn có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của ông Chấn trước khi xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà ông Chấn có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà ông Chấn là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu đối với cơ quan Nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Ngoài ra, các cá nhân trong HĐXX phiên phúc thẩm (Tòa án nhân dân tối cao) phải bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn những thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ (nếu có).
Toà án cấp phúc thẩm phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai cá nhân ông Chấn bằng nhiều hình thức.
Cũng theo luật sư Sơn, sau khi thực hiện bồi thường cho ông Chấn thì Tòa phúc thẩm (Cơ quan nhà nước đã thực hiện việc bồi thường) có quyền yêu cầu các thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm có lỗi trong việc xét xử oan sai phải liên đới hoàn trả cho Nhà nước khoản tiền đã bồi thường cho ông Chấn.
Đồng thời, những người này sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 56. Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ
1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hoàng Sang
VNN