Đáng nói, Agribank công khai tiêu chí ưu tiên cho con em người nhà cán bộ ngân hàng:“Đối tượng ưu tiên là: con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100)”.
Cùng với thời điểm tuyển dụng, Tòa án Nhân dân TpHCM đang xét xử vụ án tham nhũng gần 1000 tỉ đồng với các bị cáo là các lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng này.
Để hiểu rõ hơn vấn đề dưới góc nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Dưới góc độ pháp lý thì quy định ưu tiên con em trong ngành trong tuyển dụng vào Ngân hàng Agribank nói riêng và các cơ quan, tổ chức kinh tế của Nhà nước khác nói chung là quy định trái luật, vi Hiến và vi phạm các quy định của pháp luật về lao động”.
“Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, không có bất cứ quy định nào quy định ưu tiên con em cán bộ, con em lãnh đạo, con em trong ngành trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức hay tuyển dụng vào các tổ chức kinh tế của nhà nước. Những đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng chỉ có thể là những người thuộc đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liêt sĩ, thương binh. Ngoài ra có thể ưu tiên những người có bằng cấp, học vấn cao, có kinh nghiệm. Còn ưu tiên con em cán bộ trong tuyển dụng là quy định vi hiến, vi phạm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Quy định này không khỏi gây bức xúc trong dư luận”.
– Thưa luật sư, Agribank ưu tiên con em cán bộ cộng thêm 30 điểm trên thang điểm 100 có đồng nghĩa với việc không có “cửa” cho cho các ứng viên bên ngoài?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông báo mới đây của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì so với quý IV/2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người.
Như vậy, có thể thấy tình trạng thất nghiệp ở nước ta đang ngày càng gia tăng, nhu cầu về việc làm rất lớn, đặc biệt là với đối tượng là con em nhà lao động (nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ). Nếu thống kê trong số những người thất nghiệp ở VN thì có lẽ tỉ lệ lớn, rất lớn là con em nhà lao động – Những người không có tiền để “chạy việc”, lo việc, xin việc. Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học về những người có bằng cấp, trình độ đã từng thi tuyển công chức, viên chức bị trượt thì sẽ thấy sự thất vọng và bức xúc của họ ở mức độ nào…
Với quy định ưu tiên 30/100 điểm cho con em cán bộ khi tuyển dụng vào ngân hàng này, thì con em người lao động ngành khác gần như đã “hết cửa”. Với quy định ưu tiên như trên thì con em lao động, con em nông dân sẽ không có cơ hội làm việc tại ngân hàng này. Đó là một sự bất bình đẳng, một quy định trái luật gây bức xúc dư luận. Nếu không chặn đứng kiểu tuyển dụng bất bình đẳng này thì câu chuyện “con vua thì lại làm vua…” sẽ trở lại và không biết sẽ đi đến đâu.
Ngân hàng Agribank tuyển dụng (Ảnh chụp lại thông tin công khai trên trang agribank.com.vn) |
– Điều này có là bất bình đẳng trong nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng” mà Hiến pháp quy định không, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trong đó quy định các quyền cơ bản của công dân. Các văn bản pháp luật khác như luật, bộ luật và các văn bản dưới luật phải phù hợp và không được trái quy định của Hiến pháp.
Hiến pháp hiện hành (năm 2013) đã dành ra cả một chương – Chương II để quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong đó, Điều 14, Điều 16, Điều 28 Hiến pháp có nội dung, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngoài ra, Điều 5, Điều 8 Bộ luật lao động cũng quy định quyền bình đẳng của công dân trong việc lao động, làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức có tuyển dụng lao động.
Thêm vào đó, Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức… cũng quy định tương tự, ghi nhận bảo đảm quyền tự do lao động, quyền không phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động, bình đẳng trong quan hệ lao động, tạo điều kiện cho con em nông dân, con em người lao động được học tập, làm việc và được quyền tham gia làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội.
Từ đó có thể thấy, Ngân hàng này lại đưa ra một quyết định gây bất bình đẳng vi phạm những nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật.
– Thưa luật sư, nếu họ viện dẫn lý do, vì cha/mẹ họ đã cống hiến tại ngân hàng này, họ được quyền ưu tiên cho con cái hơn người khác, ông nghĩ sao?
– Luật sư Đặng Văn Cường: Để đánh giá ai cống hiến nhiều, ai cống hiến ít cho xã hội là rất khó. Xã hội có nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nếu cha ông người này làm cán bộ ngân hàng thì cha ông người khách làm nông dân, giáo viên, bác sĩ… đều có ích, đều đóng góp công sức cho xã hội cả.
Vì vậy, nếu vin lý do là cha ông ứng viên này, ứng viên khác đã có công sức đóng góp xây dựng cơ quan, xây dựng ngành để tự đặt ra quy định ưu tiên trong tuyển dụng là không hợp lý.
Mặt khác, với quy định như trên của ngân hàng nông nghiệp thì những đối tượng là gia đình chính sách, cha ông họ đã hi sinh xương máu cho đất nước thì không được ưu tiên, còn con em trong ngành (con em họ) không hề thiếu thốn, hi sinh vất vả gì thì lại được ưu tiên đặc biệt. Đó là quy định hết sức phi lý. Vì vậy nếu ai đó cho rằng con em của ngành ngân hàng thì phải có quy định để ưu tiên vào làm việc tại ngân hàng bởi cha/mẹ họ có đóng góp công lao với ngành… là quan điểm bảo thủ, duy ý chí, không phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
– Agribank là ngân hàng hoạt động bằng vốn nhà nước, thuế của dân. Vậy việc tuyển dụng có phải tuân theo quy định của Nhà nước hay muốn tuyển ai vào là quyền của lãnh đạo tổ chức đó?
Luật sư Đặng Văn Cường: Mọi người dân đều có nghĩa vụ đóng thuế nên đều có quyền tham gia làm việc tại ngân hàng này nếu có chuyên môn, sức khỏe phù hợp với vị trí tuyển dụng.
Việc tuyển dụng vào ngân hàng này phải dựa trên cơ sở các quy định pháp luật chứ không phải do người đứng đầu quyết định.
Vì vậy, việc thi tuyển sẽ được áp dụng và không phân biệt các đối tượng thi tuyển, trừ trường hợp các đối tượng ưu tiên theo các quy định về người có công, gia đình chính sách đã được luật hóa.
Còn văn bản pháp luật hiện hành không có quy định ưu tiên con em trong ngành trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, kể cả việc tuyển dụng vào các tổ chức phát triển kinh tế của nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp. Vì vậy, việc quy định ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành, “ngăn sông, cấm chợ” như vậy là quy định trái luật.
– Qua câu chuyện này, luật sư có kiến nghị gì với việc giám sát tuyển dụng trong các tổ chức kinh tế có vốn nhà nước, để tránh tình trạng “con ông cháu cha” lan tràn?
Luật sư Đặng Văn Cường: Cần phải thanh tra, kiểm tra làm rõ một số vị trí, một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong khâu tuyển dụng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng. Cần đấu tranh, xử lý nghiêm minh với những trường hợp vi phạm trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm và hủy bỏ kết quả tuyển dụng, bổ nhiệm trái luật.
Với các tổ chức kinh tế có vốn Nhà nước cũng vậy, cần phải kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để giữ gìn lòng tin trong nhân dân và đảm bảo, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận/.
– Xin cảm ơn luật sư!