Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hệ thống camera giám sát và phòng máy phục vụ môn thi tin học. Ảnh: Nam Giang
Chủ tịch UBND tỉnh – người đứng đầu chính quyền tỉnh đã khẳng định: “Với quy chế kỳ thi năm nay đưa ra, kể cả tôi là chủ tịch hội đồng thi, có muốn giúp ai đó cũng là điều không thể”. Câu nói ấy đã làm cho chúng tôi tuy ở xa Hà Tĩnh cũng thấy vui lây.
Cuộc thi tuyển có 1.581 thí sinh đủ tiêu chuẩn, cần tuyển 86 chỉ tiêu nhưng chỉ có 38 thí sinh dự kiến trúng tuyển. Như vậy, không có người đậu vớt đúng là một cuộc thi “chọn mặt gửi vàng”, thà thiếu số lượng, không để yếu về chất lượng. Nếu địa phương nào, ngành nào từ trung ương đến tỉnh, thành phố cũng làm được như Hà Tĩnh thì chúng tôi tin chắc rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta ngày càng có nhiều người giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không còn “sáng vác ô đi, tối che ô về”, hàng tháng vẫn nhận lương bằng tiền thuế của dân đóng góp như hiện nay.
Công tác chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của kỳ thi tuyển công chức Hà Tĩnh năm 2016. Ảnh: Thu Hà
Thời gian qua, chúng tôi cũng rất buồn khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, một bí thư huyện ủy đưa người nhà vào hầu hết các cơ quan cấp huyện.
Tôi xin kể câu chuyện xảy ra cách đây 64 năm (1952), khi tôi đang học cấp 2. Trong một kỳ kiểm tra môn Sử, nói về thời kỳ dựng nước của vua Hùng, trong số 48 học sinh của lớp đều đạt điểm trung bình trở lên, có bạn đạt điểm 9 (lúc đó cho điểm 10) là điểm tối đa. Có một bạn chỉ được điểm 3, sau khi nhận bài kiểm tra xong, đứng lên nói công khai giữa lớp: “Thưa thầy, bố em là chủ tịch ủy ban kháng chiến xã”. Thầy giáo chủ nhiệm lớp đồng thời là thầy dạy môn Sử tên là Hoàng Hữu Đản nói: “Em nói gì thầy không hiểu?”. Một bạn khác nhắc lại câu nói ấy. Thầy trả lời: “Thầy chấm bài của em chứ không chấm bài của bố em”.
Người thầy ấy đến nay tôi vẫn nhớ mãi và luôn kính trọng thầy, một nhà giáo, một tấm gương chuẩn mực.
Nguyễn Xuân Hướng
(Hà Nội)