Kinh tế

5 năm sau cổ phần hoá, Cảng Nghệ Tĩnh làm ăn ra sao?

So với kế hoạch được thông qua bởi ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Cảng Nghệ Tĩnh sau 9 tháng đầu năm đã hoàn thành gần 81,5% chỉ tiêu doanh thu và 89,1% kế hoạch lãi sau thuế.

Trụ sở CTCP Cảng Nghệ Tĩnh. Ảnh: Văn Dũng


CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HXN: NAP) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 với nhiều điểm đáng chú ý.

Cụ thể, doanh thu thuần riêng quý III/2021 đạt hơn 52,7 tỷ đồng, tăng gần 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi chi phí và giá vốn, hoạt động kinh doanh đem về cho Cảng Nghệ Tĩnh 2,6 tỷ đồng lãi thuần, tăng hơn 73%.

Cùng với đó, nhờ khoản lợi nhuận khác gần 2,4 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ chỉ là 814 triệu đồng), lãi sau thuế Cảng Nghệ Tĩnh đạt đến hơn 3,45 tỷ đồng, tăng gần 121% so với quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Cảng Nghệ Tĩnh đạt doanh thu thuần hơn 167 tỷ đồng (tăng gần 18%), trong đó công ty có 2 nguồn thu đến từ Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò (156,6 tỷ đồng) và Xí nghiệp xếp dỡ Bến Thủy (10,4 tỷ đồng); Lãi ròng gần 13 tỷ đồng, tăng 73%.

Như vậy, so với kế hoạch được thông qua bởi ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Cảng Nghệ Tĩnh đã hoàn thành gần 81,5% chỉ tiêu doanh thu và 89,1% kế hoạch lãi sau thuế.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 30/9/2021 đạt hơn 274,5 tỷ đồng, giảm gần 0,5%. Vốn chủ sở hữu của công ty hơn 228,3 tỷ đồng, giảm 2,7%. Nợ phải trả 46,2 tỷ đồng, tăng 11,3%.


Cảng Nghệ Tĩnh là cụm cảng tổng hợp quốc gia đầu mối chính tại khu vực Trung Bộ, gồm Cảng Cửa Lò và Cảng Bến Thủy. Trong đó, Cảng Cửa Lò - cảng biển loại I nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải quốc tế, là đầu mối giao thông chính của tỉnh Nghệ An và khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, có chức năng trung chuyển hàng hóa đi Lào.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Cửa Lò có 6 bến, trong đó có 4 bến (bến số 1, 2, 3, 4) đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 1 vạn tấn do Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh quản lý và 2 bến còn lại (số 5, 6) được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn do chính Tuấn Lộc đầu tư (dự án đã khởi công từ tháng 4/2015).

Hoạt động kinh doanh chính của Cảng Nghệ Tĩnh tại khu vực Cửa Lò và khu vực Bến Thủy bao gồm: Kinh doanh dịch vụ cảng và bến cảng; Kinh doanh kho bãi, kho ngoại quan; Bốc xếp, bảo quản và giao nhận hàng hóa; Hộ tống cứu nạn, cứu hộ trên biển; Đại lý vận tải hàng hóa, đại lý tàu biển; Sửa chữa phương tiện vận tải thủy bộ; Xây dựng và sửa chữa công trình cảng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tại khu vực Cửa Lò luôn chiếm tỷ trọng lớn (hơn 90% doanh thu cả Công ty).

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh đã hoàn thành quá trình cổ phần hóa, chính thức chuyển từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với các mốc thời gian quan trọng của tiến trình cổ phần hóa.

Theo đó, ngày 31/12/2014, công ty tổ chức thành công phiên IPO tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với số lượng chào bán là 3.894.156 cổ phần, giá đấu thành công bình quân là 12.129 đồng/CP, cao hơn gần 21,3% so với giá khởi điểm.

Ngày 1/4/2015, Cảng Nghệ Tĩnh chính thức hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ 215,172 tỷ đồng. Chỉ nửa năm sau, công ty đã được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Cảng Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên để phục vụ công tác cổ phần hóa và thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (công ty mẹ) nên đến ngày 19/7/2016, cổ phiếu Cảng Nghệ Tĩnh mới chính thức giao dịch tại UPCOM với giá tham chiếu 11.400 đồng/CP, mã chứng khoán là NAP.

Tính tại ngày 30/9/2021, cơ cấu cổ đông Cảng Nghệ Tĩnh gồm: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (51%), CTCP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc (21,35%) và các cổ đông khác (27,65%).

Ngoài lô 21,35% cổ phần của Cảng Nghệ Tĩnh, Tuấn Lộc còn tham gia vào nhiều thương vụ mua vốn cổ phần các doanh nghiệp khác như: Nắm 49% Công ty TNHH MTV ĐT XD KCN Nhơn Trạch 6A, 33,33% tại KCN Hiệp Phước (HPI), 30% tại CTCP Sonadezi Giang Điền, 17% tại CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD), 10% tại CTCP XD & Sản xuất VLXD Biên Hòa (VLB).

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP