Bánh căn Đà Lạt
Có nguồn gốc từ miền Trung, bánh căn khi đến với Đà Lạt lại có một sức hút đặc biệt khiến ai cũng phải đem lòng thương nhớ. Được xem như một món ăn giản dị của người Đà Lạt, việc đợi chiếc bánh căn nóng hổi và thưởng thức chúng giữa tiết trời se se lạnh bên lò than ấm đúng là một trải nghiệm hiếm ở đâu có được.
|
Nhìn chung công thức pha bột của bánh căn đều giống nhau, bánh được làm từ bột gạo, đổ trong khuôn đất có 10 hay 15 lỗ, rồi đợi tầm 2 phút sẽ cho ra những chiếc bánh có đường kính khoảng 5 cm mềm và xốp. Tùy khẩu vị của mỗi người mà chọn loại nhân bánh thích hợp, phổ biến vẫn là nhân trứng cút, trứng gà, nhân thịt hoặc thập cẩm.
|
Thưởng thức một dĩa bánh căn cũng không thể thiếu nước chấm được pha theo vị ăn của người dân ở đây. Nước chấm bánh căn gồm 2 loại là nước mắm và mắm nêm. Để tăng tính hấp dẫn cho chén nước chấm, người bán cho thêm vào bên trong thịt xíu mại, hành phi, tóp mỡ, xoài bào và một ít ớt xay, tất cả hòa quyện cùng bánh tạo nên hương vị riêng ăn hoài mà không thấy chán.
Lẩu
Trong không gian lạnh của phố núi, còn gì tuyệt vời hơn bằng việc ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, hít hà hương vị thơm lừng bên trong nước lẩu. Nằm trong danh sách những món ngon ở Đà Lạt, lẩu bò Ba Toa và lẩu gà lá é là hai loại được nhiều thực khách tìm đến nhiều nhất.
|
Lẩu bò Ba Toa nổi tiếng với những miếng bò dày – to – dài. Chưa kể trong nồi còn có thêm gân, đuôi, gầu đầy đặn chỉ nhìn thôi đã thấy bụng muốn sôi sùng sục rồi. Lẩu bò Ba Toa thơm ngát mùi bò vùng núi, ngoài rất nhiều thịt bò nồi lẩu ở đây còn có mì trứng và rau xanh Đà Lạt chất lượng vô cùng.
|
Món thứ 2 cũng hấp dẫn không kém chính là lẩu gà lá é Một nồi lẩu gà lá é có giá khoảng 200.000 đồng cùng nửa con gà chặt miếng, nước dùng lẩu có vị thơm cay nồng của ớt, ăn kèm với bún, nấm sò, một ít măng củ và dĩ nhiên không thể thiếu 1 đĩa rau lá é. Khi nhúng lá é vào nồi nước lẩu thì nên vớt ra ăn ngay khi còn tái, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi, hơi the the của lá. Trời Đà Lạt về tối lạnh, nhiều sương nhưng được cùng bạn bè ngồi cạnh nồi lẩu gà lá é sôi sùng sục đưa mùi thơm phức sẽ khiến bạn quên ngay cái đói, cái lạnh.
Bánh mỳ xíu mại
Không giống với bánh mỳ kẹp mang đi vội vã, bánh mỳ xíu mại ở Đà Lạt cho bạn thong thả ngồi tận hưởng hương vị món ăn bình dị của người dân Đà Lạt.
|
Một chén nước dùng trong veo, nóng hổi được chủ quán múc từ cái nồi to ngun ngút khói, cho thêm viên xíu mại, vài lát da heo kèm theo chút hành lá, húng quế là đã đủ bài bản ăn chung với bánh mỳ. Nếu muốn kích thích vị giác hơn, bạn có thể cho thêm một ít ớt sa tế vào bên trong chén.
Sữa đậu nành
Như một đặc sản dành riêng cho Đà Lạt, sữa đậu nành ăn khớp đến kỳ lạ với không gian lạnh của phố núi. Dọc theo các con phố nhỏ, hương sữa thơm thoang thoảng trong không khí như một lời mời gọi ấm áp gửi đến du khách nhớ đừng quên dừng chân thưởng thức ly sữa nóng.
|
Uống sữa đậu nành thôi thì chưa đủ hấp dẫn, bạn nên dùng thêm bánh ngọt để cảm nhận trọn vẹn vị thơm ngon, béo ngậy từ ly sữa. Ngoài sữa đậu nành, thông thường các quán còn có cả sữa đậu xanh, đậu đen, đậu phộng để làm phong phú thực đơn cũng như giúp thực khách thay đổi khẩu vị.
Sữa đậu nành bình dân là thế, nhưng lại hút rất nhiều du khách, đặc biệt vào buổi tối khi mọi người cùng nhau nhâm nhi ly sữa vừa trò chuyện rôm rả rất vui và thú vị.
Món nướng
Góp phần vào danh sách các món ngon ở Đà Lạt chắc chắn không thể thiếu món nướng, nhất là các món ăn vặt như: bánh tráng nướng, khoai nướng, bắp nướng, hột gà nướng… Hầu hết những món này đều hiện diện trên khắp nẻo đường ở Đà Lạt khiến bạn khó lòng cưỡng lại và buộc phải dừng chân ăn ngay tại chỗ.
|
Hấp dẫn hơn cả chính là bánh tráng nướng. Không chỉ có nguyên liệu trứng và hành truyền thống, bánh tráng nướng Đà Lạt cho bạn nhiều lựa chọn với nhiều nguyên liệu khác nhau như gà, bò, phô mai, xúc xích.
|
Tác giả: Như Khánh
Nguồn tin: saostar.vn