Du lịch

5 đặc sản vùng núi không thể bỏ qua trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Những món ăn lạ lẫm nhưng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn của bà con vùng núi dưới đây là một trong những gợi ý không thể bỏ qua trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Các món ăn truyền thống trong dịp Tết của đồng bào các dân tộc miền núi thường được chế biến khá cầu kỳ, tẩm ướp các loại gia vị tự nhiên từ núi rừng đem lại hương vị riêng biệt. Dưới đây là 5 món ăn đặc sản của bà con dân tộc miền núi, nên thử trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen. Xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến và được thực khách miền xuôi rất ưa thích.

Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen

Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó nhưng khá mất công. Người ta dùng ớt chỉ thiên, sả băm nhỏ cộng với muối hạt, rượu cái trộn đều vào các miếng thịt. Món đặc sản sẽ mất đi mùi vị đặc trưng nếu không kể đến hạt mắc khén.

Thịt trâu phải được sấy bằng khói bếp âm ỉ từ ngày này qua ngày khác. Các miếng thịt trâu được gác bếp trong khoảng 2 tháng, đến khi chuyển sang màu khói đen và khô lại, trên bề mặt vẫn còn nguyên những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng,… thì dùng được.

Khâu nhục

Khâu nhục là một trong những món đặc sản quen thuộc trong các dịp lễ Tết, đám cưới, đám hỏi... của người Tày, người Nùng, người Sán Dìu...

Khâu nhục là thịt được ướp đẫm gia vị gồm các loại như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu..., sau đó hấp cách thuỷ tận nửa ngày cho thịt thật mềm. Miếng thịt khâu nhục khi ăn cho cảm giác như tan trong miệng mới là đạt đủ độ ngon.

Bánh chưng đen (Lạng Sơn)

Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có màu đen bóng rất lạ mắt, khiến không ít người phải tò mò.

Ngay từ tháng 10 Âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.

Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh,… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao. Làm được bánh chưng đen không hề đơn giản. Chính bởi vậy khi chọn nàng dâu, người dân Bắc Sơn thường chú ý đến những cô gái biết làm nên chiếc bánh tròn trịa, đậm đà, khi bóc ra đường lạt gói phải hằn đều lên thân bánh...

Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong. Cứ thế, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.

Bánh láo khoải

Láo khoải là một loại bánh của người dân tộc Mông

Đây là một loại bánh của người dân tộc Mông. Bánh láo khoải còn được gọi bằng cái tên khác là lức khoải hay rớ khoải. Món bánh này không được làm thường xuyên mà chỉ hay xuất hiện vào dịp Tết.

Nguyên liệu chính để làm bánh láo khoải là ngô nghiền đồ chín, sau đó nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, bôi mỡ trộn mật ong xung quanh.

Khi ăn, bánh sẽ được thái mỏng rồi nướng trên than củi hoặc thái chỉ nấu với đường, ngoài ra cũng có thể dùng bánh láo khoải để nấu với quả đậu Hà Lan như nấu canh.

Gà nướng lá mắc mật

Lá mắc mật là nguyên liệu không thể thiếu tạo nên hương vị độc đáo cho các món ăn của đồng bào miền núi. Đặc biệt là món gà nướng lá mắc mật thơm lừng hòa quyện với vị chua ngon, ngọt của thịt gà và chấm cùng chẳm chéo. Món ăn thú vị này thường được dân tộc Nùng Phàn Sìn chế biến trong dịp Tết tương tự như gà luộc của đồng bào miền xuôi.

Tác giả: Hòa Lê

Nguồn tin: VietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP