Giáo dục

23 triệu học sinh dự khai giảng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Đúng 7h30 sáng nay (5/9), gần 23 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào lễ khai giảng năm học 2020-2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Năm học 2020 - 2021 là một năm học đặc biệt với toàn ngành giáo dục khi đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phổ thông tổng thể. Song song với công tác dạy và học thì việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn được triển khai đầy đủ ở các nhà trường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, đặc biệt là công tác phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên... Đặc biệt, đây là lễ khai giảng năm học mới chưa từng có khi một số địa phương phải tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Công tác phòng dịch Covid-19 được các trường thực hiện nghiêm túc

Cụ thể, những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tổ chức dạy và học trực tuyến qua internet, trên truyền hình với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành. Theo đó, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ của năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.


Căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang phức tạp, việc dạy và học trực tuyến vẫn phải tiếp tục để đảm bảo được sự chủ động trong năm học 2020-2021. Để dạy học trực tuyến tốt, các nhà trường cần có kế hoạch chỉ đạo các tổ chuyên môn thảo luận, xây dựng giáo án dạy học trực tuyến theo các chủ đề. Trong đó, các thầy cô giáo chú ý giao nhiệm vụ cho học sinh trước để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện các yêu cầu của giáo viên trên các bài học trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy 10 môn học ở cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, trong năm học mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc xử lý nghiêm tình trạng lạm thu, trong trường hợp tổ chức học trực tuyến thì mức thu học phí không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.


Năm học 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian nghỉ hè ít hơn mọi năm, công tác chuẩn bị cho năm học mới của các trường có phần gấp rút hơn. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Các trường duy trì thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Năm học 2020 - 2021, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học và hơn 2,1 triệu học sinh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020 - 2021, toàn thành phố tăng thêm 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục) và hơn 67.000 học sinh so với năm học trước. Thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới trên 804,7 tỷ đồng. Theo đó, Lễ khai giảng cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội được tổ chức trực tiếp nhưng không quá 45 phút (từ 7h30-8h15). Riêng cấp mầm non khai giảng tại từng lớp không quá 60 phút (từ 8h30-10h). Đặc biệt, để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, các trường không tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay. Sau lễ khai giảng, học sinh lên lớp học tiết đầu tiên về giáo dục nếp sống văn minh, nội quy và công tác phòng chống dịch.

Năm nay, TP.HCM có 1,74 triệu học sinh, tăng 54.645 em so với năm trước. Học sinh tăng chủ yếu ở cấp THCS với 27.950 em. Trong đó, tập trung nhiều ở các quận 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng. Trong ngày khai giảng hôm nay, các trường chỉ tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự, mỗi lớp từ 10- 20 em. Riêng học sinh đầu cấp gồm lớp 1, 6, 10 được tham dự đầy đủ.

Đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2020-2021 với tâm thế chủ động, sáng tạo, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành Giáo dục.

Tác giả: PV (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân Sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP