Phóng viên: Nạn tín dụng đen (TDĐ) đang diễn biến như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng LƯƠNG TAM QUANG |
- Thiếu tướng LƯƠNG TAM QUANG: TDĐ đang là vấn đề rất phức tạp không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác. Thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm qua, toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan TDĐ. Qua điều tra, công an phát hiện 6 vụ liên quan giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản và gần 2.000 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ hủy hoại tài sản…
Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an đang rà soát làm rõ có khoảng 200 băng nhóm hoạt động liên quan TDĐ với gần 2.000 đối tượng. Vừa qua, ở Thanh Hóa và Bắc Ninh, Đắk Lắk…, công an đã đấu tranh và đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng tình hình hoạt động của TDĐ. Hoạt động cho vay TDĐ rất phức tạp, len lỏi đến nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, với những hình thức tinh vi, giăng bẫy bằng thủ tục cho vay rất đơn giản. Các đối tượng đầu ra của TDĐ rất đa dạng, như: sinh viên, học sinh, công chức, dân cá độ, buôn lậu…
Điển hình, cuối tháng 11-2018, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá tổ chức TDĐ lớn nhất cả nước, hoạt động tại 63 tỉnh, thành. Tổ chức này núp bóng dưới vỏ bọc Công ty Tài chính Nam Long, giao dịch hơn 500 tỉ đồng, từng buộc khách hàng trả lãi 1.000%/năm.
Một nhóm đối tượng cho vay tín dụng đen bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt. (Ảnh do công an cung cấp) |
* Hoạt động TDĐ đang "núp bóng" và biến tướng như thế nào?
- Đối với nhiều người, TDĐ đơn giản chỉ là cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, cho thấy hoạt động TDĐ không chỉ đơn giản như vậy. TDĐ là hình thức cho vay đi vay lại hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay được pháp luật quy định và thực hiện bởi cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh tài chính thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Hoạt động TDĐ gắn với hoạt động tội phạm có tổ chức dưới dạng cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, cơ sở đòi nợ thuê, công ty vệ sĩ… hoạt động biến tướng dưới nhiều hình thức như khuyến mãi hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư, đầu tư trái phiếu với lãi suất cao. Nhiều người tuy không phải là đối tượng cho vay chuyên nghiệp nhưng do hám lợi trước lãi suất cao nên đi vay từ người thân của đối tượng cho vay TDĐ để cho vay lại. Đến khi các con bạc vỡ nợ hoặc bỏ trốn thì những người trung gian trở thành con nợ và bị các đối tượng cho vay TDĐ siết nợ.
* Nguyên nhân của tình trạng TDĐ nở rộ như hiện nay là gì, thưa ông?
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay tiền chưa bám sát nhu cầu người vay tiền, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay TDĐ tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục ngắn gọn. Ngoài ra, nhiều đối tượng vay còn có nhu cầu vay vốn nhanh không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu…
Nâng cao ý thức cảnh giác
Để ngăn chặn tình trạng phát triển TDĐ, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho rằng ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, quan trọng nhất là hệ thống ngân hàng cần mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, có các gói, khoản vay ưu đãi nhất là vay học đường, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh thu hút nguồn tiền, vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để huy động tối đa nguồn vốn, phục vụ người dân. Cùng đó, các đơn vị, địa phương cần phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và thủ đoạn, phương thức hoạt động, tác hại của tín dụng đen để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp...
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Người lao động