Đại diện Bệnh viện (BV) Việt Đức và BV Bạch Mai (Hà Nội) ngày 25-5 đều xác nhận đến thời điểm này chưa thể tiếp nhận đưa vào hoạt động cơ sở 2 của 2 BV này do bị chậm tiến độ.
Ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết dự án xây dựng cơ sở 2 BV Việt Đức tại Hà Nam do Ban quản lý dự án chuyên ngành Bộ Y tế thực hiện, BV Việt Đức là đơn vị thụ hưởng.
Theo kế hoạch ban đầu, cơ sở 2 của BV đạt chuẩn quốc tế đi hoạt động vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 nhằm giảm tải cho cơ sở 1. Hiện BV đã chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng làm việc tại cơ sở mới trong giai đoạn đầu, tuy nhiên đến nay tiến độ đã bị chậm nhiều tháng.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với BV Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng gần khu vực BV Việt Đức. Đại diện BV Bạch Mai cũng xác nhận đã có phương án nếu BV mới hoàn thành, BV cơ sở 1 sẽ dành trước khoảng 30% nhân lực tại Hà Nội luân chuyển cho cơ sở mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể biết khi nào có thêm cơ sở mới phục vụ người bệnh và giảm tải cho tuyến trên.
Trước đó, cuối năm 2014, tại TP Phủ Lý (Hà Nam), Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam đã khởi công dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức. Cơ sở 2 của 2 BV đều có diện tích hơn 20 ha, diện tích sàn xây dựng gần 120.000 m2 và cùng có quy mô 1.000 giường. Tổng mức đầu tư mỗi bệnh viện gần 5.000 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành thành vào tháng 12-2017.
Trong đó, cơ sở 2 của BV Bạch Mai được đầu tư xây mới thành một BV đa khoa có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày.
Cơ sở 2 của BV Việt Đức được đầu tư thành một BV ngoại khoa hoàn chỉnh có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như chấn thương, xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; phẫu thuật cấp cứu và chuẩn bị cho các chuyên khoa khác như tiêu hóa, gan mật, vi phẫu, tim mạch nhi; hồi sức, điều trị tích cực, cấp cứu ngoài viện; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày.
Đây là 2 trong số 5 BV tuyến cuối được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp.
Tác giả: Kh.Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động