Bản Vịn (Yên Thắng) nằm sâu trong cánh rừng già trăm tuổi, quanh năm mây mù che phủ. Đường đến bản Vịn không chỉ khó bởi độ dốc cao mà đặc biệt sau mỗi trận mưa, lũ rừng đổ về làm sông Âm cuộn đỏ, hung tợn như cuốn trôi tất cả. Những thầy cô gắn bó nhiều năm với bản Vịn luôn đặt câu hỏi còn nơi nào khốn khó, khổ cực, nguy hiểm, sợ hãi với người gieo chữ, tìm con chữ thoát nghèo khó khăn như ở nơi này?
Bắc cầu rồi lũ cũng cuốn trôi
Chúng tôi vào bản Vịn cùng các thầy giáo cắm bản sau trận mưa như trút nước đầu tháng 9. Thầy Hà Văn Cúc, giáo viên Trường THCS Yên Thắng, cho biết để vào được điểm trường lẻ này rất tốn sức không chỉ phải vượt qua hàng chục dốc cao mà còn phải qua sông suối nên càng ít hành trang càng tốt và phải đi bằng chân đất.
Thầy Cúc cho biết bản Vịn là bản nghèo nhất huyện miền núi Lang Chánh với 107 hộ với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Điểm trường này có bốn giáo viên cắm bản, 48 học sinh tiểu học, 28 học sinh mầm non (trường ghép cả bậc tiểu học và mầm non).
Hơn nửa số học sinh này đều phải lội qua sông Âm mỗi ngày nhưng khi mưa lũ, bản Vịn bị sạt lở và gần như bị cô lập nên các em học sinh không thể tự đến trường một mình mà phải có bố mẹ hoặc anh chị. Hầu như lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần mưa lũ đi qua, các thầy cô giáo lại đến từng gia đình vận động các em tới trường.
Cô giáo Lò Thị Tuyền, người đã “cắm bản” suốt 15 năm qua, tâm sự lớp mầm non do cô phụ trách có 28 cháu. “Do địa hình của bản Vịn bị chia cắt bởi dòng sông Âm nên bản Vịn được phân thành khu trên và khu dưới. Hằng ngày các cháu đến trường đều phải có người đưa qua sông. Sau này người dân ở bản Vịn đã góp sức, góp tiền làm cây cầu bằng ván gỗ bắc qua sông nhưng cũng chỉ đi được lúc trời không mưa, còn khi trời mưa nước dâng cao thì không ít lần cầu cũng bị lũ cuốn đi”.
Em Vi Văn Tân, học sinh lớp 4, cho biết: “Nhà em ở sau núi cách trường 4 km nên mỗi ngày em đến trường thường phải dậy từ 5 giờ sáng. Vì để đến trường em phải leo qua mấy quả núi bằng đường mòn, rồi lội sông, có hôm lũ lớn em không qua chỉ biết đứng khóc. Có hôm về nhà không muốn đi học nữa vì đi học mà khổ quá. Nhưng các thầy cô, bố mẹ cứ bảo học kiếm cái chữ mới hết khổ nên em đi học lại. Em cũng không biết ước mơ của em là gì nữa, chỉ mong bản em có một cây cầu là được rồi”.
Để có được con chữ, học sinh bản Vịn đã phải nỗ lực rất nhiều để mỗi ngày đến trường. Trong ảnh: Các em học sinh trường tiểu học cùng với phụ huynh nắm tay nhau để không bị nước cuốn trôi. Ảnh: Đ.TRUNG |
Dù phải băng gần 10 km đường rừng và phải vượt qua đoạn sông cuộn chảy đỏ ngầu nhưng các thầy vẫn giữ tinh thần lạc quan khi nghĩ về học sinh của mình. Ảnh: Đ.TRUNG |
Rớt nước mắt cảnh học sinh vượt lũ
Cô giáo Lò Thị Tuyền tâm sự: “Cũng đã nhiều năm trôi qua, chứng kiến cảnh học sinh của mình đi tìm con chữ để thoát nghèo quá khốn khổ mà rớt nước mắt. Nhưng lực bất tòng tâm, chỉ mong sao các cấp chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ cho học sinh và dân bản ở đây thoát ra khỏi đói nghèo nhờ cây cầu mới”.
“Không ít lần các thầy cô giáo muốn qua sông Âm, phải dùng đòn để khiêng xe máy. Khiêng xe đã thấy mình quá vất vả rồi nhưng so với các em phải hằng ngày đến trường lội qua sông mới thấy sự khó khăn, nguy hiểm cỡ nào. Có không ít lần học sinh ướt sũng cả quần áo lẫn cặp sách vì trượt chân ngã xuống nước” - thầy Lò Văn Nhật, dạy môn ngoại ngữ, ái ngại.
“Những ngày nắng ráo, các em học sinh đến lớp đều đặn. Còn những ngày mưa bão, mưa dài ngày, nước suối dâng cao, ảnh hưởng rất lớn tới nề nếp học tập của các em. Có những gia đình bận làm nương rẫy nên không thường xuyên đưa các em đến lớp được, dẫn đến quá trình học tập của học sinh bị gián đoạn” - thầy Phạm Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng 1 (Lang Chánh), cũng chia sẻ.
Mong bản Vịn sớm có cây cầu Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Thư, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho biết địa bàn huyện còn nhiều bản cũng khó khăn, dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng cũng chỉ cải thiện được một phần rất nhỏ. Hy vọng Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với những học sinh nghèo vùng cao này, cũng như sớm hỗ trợ để học sinh bản Vịn có một cây cầu để đến trường. |
Tác giả: ĐẶNG TRUNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM