Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình. Vật liệu làm nhút gồm mít xanh và muối trắng không i-ốt. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào. Với các món này, có một thứ rau thơm không thể thiếu được là lá kinh giới. Nhút chua nấu canh cá ăn có vị chua bùi và rất thơm. Thanh Chương còn một loại nhút khác, đó là lấy xơ mít mật (mít bở) chín, đồ nhuyễn với muối, gói vào mo cau tươi ủ ít ngày, thái nhát mỏng ăn có thêm vị ngọt và hương mít chín. Có thể chế biến thành các món như loại nhút làm từ mít xanh.
Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn là một loại nước chấm hoặc kho cá. Chấm rau muống hoặc rau lang gừng, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù. Vật liệu để làm tương là nếp, ngô, đậu tương (đậu nành). Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng, ăn có vị mặn, ngọt, nếu chấm có dính mẻ đậu thì có vị bùi.
Cháo lươn Vinh
Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình… Lươn xé dọc sợi, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm. Cháo lươn có mặt hầu khắp thành phố. Ngoài ra, ngày nay có cả súp lươn cũng ngon không kém. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt… đều ngon. Vào mùa trời bắt đầu nóng, khách ăn cháo hoặc xúp lươn đừng quên gọi thêm một cốc trà (hoặc chè xanh) đá.
Cá mát sông Giăng
Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.
Bánh đa Đô Lương
Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Món “bún giá cá ruốc” sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái!
Bánh mướt Diễn Châu
Diễn Châu có nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng, Bánh mướt ở đây nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội). Làng Quy Chính ở gần chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) nên bánh làm ra thường xuyên được bán ở chợ Sa Nam.
Chịn xồm – món thịt chua của người Thái
Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.
Cháo canh
Cũng tương tự như bánh canh ở Huế, Quảng Bình nhưng người dân xứ Nghệ quen gọi tên món này là cháo canh. Người đầu bếp sẽ phải nhào nặn bột mì (đã được trộn nước) cho đến khi bột thật nhuyễn, cán mỏng và cắt thành những sợi nhỏ, đều đặn. Đợi đến khi nồi nước xương đã được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng xóa vào, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là bạn đã có một bát cháo canh ngon lành rồi. Nên nếm thử món này ở địa chỉ cháo canh Đinh Công Tráng; cháo canh cổng thành (Cửa Nam).
Măng đắng
Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thì thường phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối – thứ muối tinh được nghiền kỹ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng. Món này mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa mưa.
Cam xã Đoài
Cam xã Đoài có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước, nguồn giống chọn lọc sạch, không sâu bệnh. Ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch thường đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết.
Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt, bổ ra màu vàng óng, ăn rất thơm ngon. Nếu đem ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ.
Bánh ngào
Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.
Mực nhảy nướng
Mực nhảy nướng là món ăn thú vị hơn cả trong tất cả các món ngon được chế biến từ mực. Món này là thứ đặc sản dùng để ăn chơi sau ngày dài thăm thú, tắm biển Cửa Lò. Đầu bếp phải khéo léo chọn loại mực tươi còn nhảy tanh tách, rồi khứa vài đường nướng ngay trên bếp lửa, ăn vừa ngọt vừa thơm.
Khoai xéo
Khoai xéo là một món ăn dân dã đặc trưng đã gắn chặt với biết bao người con của xứ Nghệ. Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
Giò bê Nam Đàn
Loại giò này được làm theo kiểu dăm bông, có vị thơm, ngọt rất đặc trưng của thịt bê không lẫn đi đâu được. Vài năm trở lại đây, giò bê Nam Đàn trở thành món quà biếu, món ăn trong ngày Tết phổ biến ở khắp các tỉnh thành Việt Nam. Giá mỗi kg giò bê không quá đắt lại mang đến cảm giác lạ miệng, chấm cùng tương ớt rồi nhâm nhi bên ly rượu, cốc bia vừa khoái khẩu vừa hợp lạ lùng.
Lắng nghe ca khúc Ai Vô Xứ Nghệ – Ca sĩ Phương Thảo:
Nguồn tin: Ngôi Sao