Tin Hà Tĩnh

10 tiếng giáp mặt mắt ‘siêu bão’ tại Vũng Áng

“Nhiều năm gắn bó với biển, chưa khi nào phải sơ tán khi bão vào, vậy mà sáng qua, tôi buộc phải rời thôn trước khi bão đổ bộ. Cơn bão quá mạnh, dai dẳng”, ngư ông Chu Văn Chỉ (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói.

Vào tâm bão Sơn Dương

22h30 đêm 14/9, nhận tin báo bão số 10 sẽ trực tiếp đổ bộ vùng nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình, “mắt bão” sẽ “ngự” ở Vũng Áng, chúng tôi quyết định di chuyển trong đêm, đón siêu bão khi trời còn tạnh.

Từ sáng sớm 15/9, bầu trời thị xã Kỳ Anh đã bắt đầu xám xịt, gió từ biển đã làm những rặng cây ngoài cổng Formosa ngả về 1 hướng. Chúng tôi quyết định ‘xin’ vào cảng Sơn Dương và trung tâm điều hành tại toà nhà liên hợp để quan sát biển.

8h sáng, vùng biển Sơn Dương gió bắt đầu thổi mạnh, những con thuyền lai dắt, xà lan của công ty Formosa chao đảo.

Mặc cho gió bão rất lớn, anh Hoà (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) vẫn bám trụ trong ngôi nhà cách mép nước biển 20m

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng BQL KKT Hà Tĩnh liên hệ được với đại diện Formosa Hà Tĩnh (FHS), chúng tôi được đưa lên khu “đặc biệt”, bộ não của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh tại FHS.

8h30, sau khi phân tích dữ liệu máy đo gió của FHS, ông Phạm Văn Đức, cán bộ Cảng vụ Hà Tĩnh thông tin, sức gió tại Formosa đang mức 25-30m/s, tương đương với cấp 12. Cá biệt, có những thời điểm sức gió lên tới 41m/s, tương đương cấp 14.

Ông Hoàng Thanh Tùng lý giải, vùng biển Sơn Dương như cái rốn hút gió khi có bão, tuy nhiên do Formosa đã làm đê chắn sóng từ xa nên sóng bão sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống cảng.

Một người dân bị gió bão thổi nghiêng khi đang cố giữ chiếc xe máy trên đường xuống Vũng Áng

9h30, chúng tôi di chuyển qua cảng Vũng Áng, nơi đặt Ban chỉ huy tiền phương PCLB của Hà Tĩnh.

“Mức độ gió tại Vũng Áng có thể sẽ nhẹ hơn bên Sơn Dương do có dãy núi Sơn Dương bao bọc”, ông Tùng nói với chúng tôi.

Tại trụ sở BQLKKT tỉnh, hơn 200 người dân thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi đã được chính quyền, Ban sơ tán lên đây từ chiều tối 14/9. Họ được cán bộ bố trí ăn ngủ, chờ bão tan.

Liều mình bám trụ

10h, xóm miền biển Hải Phong vắng tanh. Gió lúc này đã giật liên hồi, những mái nhà ven biển xiêu vẹo như muốn bung ra khỏi nền nhà. Con đường dẫn ra bãi biển đã bị nước bủa vây.

Anh Chu Hoà tâm sự, biết là nguy hiểm nhưng anh chấp nhận ở lại bám trụ. Trong xóm cũng có một số nhà có người ở lại, cùng với vài cán bộ biên phòng.

11h gió bão bắt đầu giật mạnh. Những hàng cây trước các công sở gần biển chẳng thể trụ nổi đã gãy ngang theo chiều gió. Những dãy nhà tạm lợp tôn cạnh biển, dần không còn mái.

Chiếc xe bán tải đưa chúng tôi trở về trụ sở BQL bồng bềnh trên mặt đường. Có lúc tưởng chừng như bị nhấc nổi.

Những đứa trẻ thôn Hải Phong đang dùng bữa trưa tại sở BQL KKT tỉnh tại Vũng Áng

Tại trụ sở BQL, tiếng mái tôn sầm sập hoà lẫn âm thanh nháo nhào của người dân sơ tán. Họ cảm thấy khiếp sợ trước cường độ của cơn bão.

12h, gió bão giật liên hồi. Ngồi trong phòng cũng thấy chói tai bởi tiếng gầm rú của bão.

“Thường thì tại mắt bão, gió sẽ đảo chiều liên tục. Những cơn gió ngược rất đáng sợ”, ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng BQL nói với tôi, bão đã vào.

Suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó, bão quần thảo cả vùng ven biển Vũng Áng. Đứng bên trụ sở BQL quan sát, nhiều mái nhà lớp ngói, tôn đã bị bốc từ khi nào.

Ngư dân Chu Văn Chỉ cho biết đang trú ẩn cùng gia đình tại BQL chia sẻ, hơn 50 năm sống với biển, chưa khi nào ông chứng kiến cơn bão nào có cường độ lớn và kéo dài như cơn bão số 10.

Ông Chỉ cho hay, chiều 14/9 khi nhận lệnh sơ tán, ông vẫn chỉ cho vợ con và cháu di chuyển, còn ông vẫn ở lại bám trụ, cố gắng chằng chống nhà cửa.

Tuy nhiên đến sáng hôm qua, khi bão chưa vào thì ông đã cảm nhận chẳng lành nên đã lập tức di chuyển lên trụ sở BQL KKT.

"Quê ta răng mà khổ, bão lũ triền miên"

Tháp truyền hình mới sử dụng 3 năm của Đài truyền hình TX Kỳ Anh bị gió bão quật gãy

14h30, chiếc xe khách mang BKS Đắk Lắk, khi di chuyển trên đường tránh TX Kỳ Anh vào Nam đã sa vào mương nước khi quay đầu tránh bão.

Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu nạn.

15h30, tuyến đường tránh thị xã Kỳ Anh ngổn ngang mái tôn, cột điện. Chiếc xe khách sa xuống mương đã gây nên tình trạng ách tắc nhiều km.

Đến 16h, chiếc xe khách đã được xe cứu hộ nhấc lên, hơn 30 hành khách thở phào thoát nạn...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng (áo xanh) thăm hỏi người dân sơ tán bão ở Vũng Áng

Bão tan, nhưng những thứ nó bỏ lại thật khủng khiếp. Cả khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh tan hoang sau bão. Những ngôi nhà không còn mái, hàng cột điện đổ gãy bên vệ đường, mặt đường kín mái tôn mái ngói.

Dừng chân ven đường, cụ ông đang dọn dẹp nhà nói với tôi, quê ta răng mà khổ, bão lũ triền miên. Mới ổn định được cuộc sống sau sự cố biển, giờ lại phải vật lộn với thiên tai…

Tác giả: Duy Quang

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP