Xa lu dung quy trinh se khong gay lu lut cho ha du - Anh 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo dự kiến nội dung chất vấn tại Quốc hội, vấn đề đảm bảo an toàn xả lũ sẽ được đặt ra với người đứng đầu ngành Công thương. Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Báo Điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Nặng lượng Việt Nam về vấn đề đang được công luận đặc biệt quan tâm này.

Ông có thể nói ngắn gọn về quy trình xả lũ?

Ở hồ thủy điện có 3 mực nước là thấp, trung bình và mực nước tăng cường. Nếu hồ nào đạt đến mức nước tăng cường là phải xả rồi, chứ không phải đợi lũ về rồi mới xả. Đây chính là cách hiểu đơn giản nhất về cái gọi là quy trình xả lũ.

Cụ thể hơn là khi mực nước dừng ở mặt hồ đến triều cường thì bắt đầu xả. Bắt đầu xả đáy sau đó có thể xả mặt, tức là xả đập tràn. Nếu nhà máy thủy điện nào cũng làm được như vậy thì không bao giờ gây lũ lụt cho hạ du.

Nhưng làm sai quy trình đó, tức là đợi lúc lũ lên mới xả chứ không phải xả từ trước, thì không những không cắt được lũ mà còn tăng cường thêm lũ, gây ra lũ lụt cho hạ lưu.

Trường hợp thủy điện Hố Hô vừa qua, thưa ông?

Thủy điện Hố Hô làm sai quy trình xả lũ.

Từ sự cố xả lũ của thủy điện Hố Hô, hay nhẹ hơn là thủy điện An Khê-KaNak…ông đánh giá thế nào về công tác quản lý và quy trình xả lũ tại các hồ thủy điện ở Việt Nam hiện nay?

Thủy điện là nơi cung cấp nguồn điện rất tốt, làm hai nhiệm vụ: thứ nhất là tích nước để chống lũ và thứ hai là tích nước để chống hạn.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương cùng với UBND các tỉnh, Sở NN-PTNT các tỉnh, Sở Công Thương các tỉnh phải lập quy trình xả lũ ở tất cả các hồ đập của các dự án thủy điện để thỏa mãn những yêu cầu nêu ở trên.

Xa lu dung quy trinh se khong gay lu lut cho ha du - Anh 2

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (Ảnh Internet)

Riêng vấn đề xả lũ, cá nhân ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng?

Bất kỳ hồ thủy điện quy mô lớn, vừa hay nhỏ thì đều phải xây dựng một quy trình xả lũ hết sức chặt chẽ. Trong quy trình đó, từ người vận hành, người quản lý, các cấp từ địa phương đến trung ương phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, để không thể gây ngập lụt cho hạ du.

Hiện nay trên thế giới đang có xu hướng xem xét lại tính lợi ích của thủy điện. Riêng với Việt Nam, ông có nhận xét gì về công tác đánh giá tác động tiêu cực về lâu dài của thủy điện, đặc biệt là tác động đến môi trường?

Trên thế giới người ta không hạn chế làm thủy điện. Chỉ đất nước nào không có điều kiện làm thủy điện thì phải chịu, như Mỹ, Pháp, Ý, Đức…Còn ở Trung Quốc, 70% năng lượng điện là từ thủy điện. Thủy điện là nguồn điện sạch, rẻ và an toàn nhất.

Nhưng thủy điện vừa và nhỏ Việt Nam gây ô nhiễm môi trường là do con người lợi dụng thủy điện để chặt cây, phá rừng. Đây là cái phải cấm và chúng ta phải có biện pháp sát sao.

Quốc hội đã lên tiếng cách đây 3 năm và tôi cũng từng nêu quan điểm là các địa phương cho làm thủy điện ồ ạt để lấy thành tích, nhưng lại không khống chế được các nhà thầu làm thủy điện.

Ăn từ thủy điện 1 nhưng ăn từ cây 10, chặt phá hết rừng, làm cho rừng đầu nguồn không giữ được nước và gây ra lũ lụt, gây ô nhiễm môi trường. Môi trường ở đây không phải là môi trường nước mà là môi trường rừng.

Đây chính là tội lỗi do con người sinh ra chứ không phải do thủy điện gây ra, cho nên chúng ta cần phải đánh giá cho đúng. Vì vậy tôi cho rằng giải pháp cụ thể đặt ra ở đây là với tất cả các dự án thủy điện đã chặt cây rồi thì phải trồng lại rừng. Còn đối với những dự án thủy điện mới được cấp phép thì phải bắt nhà thầu cam kết không chặt phá rừng, hoặc khống chế việc chặt cây, phải trồng mới cây thay thế thì mới cho làm.

Xin cảm ơn ông!

Duyên Duyên