TP Hà Tĩnh

Vụ "Tra tấn người khuyết tật ở Hà Tĩnh": Sự nhân văn bị xúc phạm

Toà soạn Báo GĐ&XH nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của công luận khi ông Ngụ – người tra tấn em Hoài vẫn chưa bị xử lý. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Duy Phong – Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh về vụ việc này.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về những sai phạm tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen?


– Xét về mặt xã hội, việc thành lập Trung tâm để hỗ trợ cho người khuyết tật được học nghề, tìm kiếm việc làm là hết sức nhân đạo. Các trung tâm như thế này là nơi để người khuyết tật tự rèn luyện, vượt qua khó khăn, mặc cảm để trở thành người có ích cho xã hội.

Vì vậy nên cần được đầu tư, nhân rộng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen, hành vi vi phạm của ông Giám đốc Phạm Công Ngụ là không thể chấp nhận được. Việc bóc lột sức lao động, hành hạ người khuyết tật, lợi dụng danh nghĩa làm nhân đạo để tư lợi của ông Ngụ là trái đạo đức, phá vỡ giá trị tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.

Hành vi của ông Ngụ không chỉ làm cho người khuyết tật – những người vốn đã bị nhiều thiệt thòi của số phận – càng thêm mặc cảm, mà còn gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào tính nhân văn của hoạt động nhân đạo và vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, trước hết là UBND Thành phố Hà Tĩnh cần có thái độ dứt khoát, có biện pháp xử lý cứng rắn đối với ông Phạm Công Ngụ.

Em Hoài (phải) vẫn chưa hết kinh hoàng. Ảnh: V.V


Về mặt pháp lý, những sai phạm của ông Ngụ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm chưa, thưa ông?

– Từ những thông tin báo chí phản ánh, theo ý kiến của cá nhân tôi, Giám đốc Phạm Công Ngụ đã có hành vi phạm tội. Thứ nhất, việc ông Ngụ đánh em Nguyễn Thị Hoài là có dấu hiệu phạm tội “Hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự, hành vi phạm tội của ông Ngụ có thể áp dụng điểm a khoản 2 với khung hình phạt tù từ 1 – 3 năm.


Đối với hành vi dùng máy vi tính, làm giả con dấu, chữ ký của các đơn vị, địa phương của ông Ngụ đã cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự. Đây là nhóm tội thuộc cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi “làm giả” đã bị coi là tội phạm.

Việc làm giả và sử dụng con dấu, chữ ký của ông Ngụ diễn ra trong một thời gian dài, ông đã chỉ đạo học viên, nhân viên làm giả và sử dụng nhiều lần để lập các hồ sơ học viên khống nhằm có danh sách thanh lý tiền tài trợ hàng trăm triệu đồng cho các lớp học nghề.

Như vậy, có thể khẳng định, hành vi phạm tội của ông Phạm Công Ngụ là có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm a, b, c khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 năm đến 5 năm.

Vì vậy, về chuyên môn tôi cho rằng, cơ quan công an đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Công Ngụ.


Ông nghĩ thế nào khi một số người cho rằng: Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Ngụ vì chưa đủ bằng chứng kết luận ông này chiếm đoạt tiền hỗ trợ dạy nghề của các tổ chức?


– Như tôi đã nói, việc hành hạ người lệ thuộc mình của ông Ngụ đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Hành vi làm giả con dấu, chữ ký thuộc nhóm tội có cấu thành hình thức, chỉ cần “làm” đã là tội phạm.

Đó là chưa nói đến sử dụng “nhằm lừa dối”, lập danh sách học viên khống để quyết toán hàng trăm triệu đồng – gây hậu quả nghiêm trọng thì ở đây ông Ngụ có thể đã phạm cả 2 tội làm giả và sử dụng con dấu giả để thực hiện mục đích cá nhân.

Còn việc nguồn tiền đó được sử dụng vào mục đích gì, có dấu hiệu tham ô hay không thì cần phải chứng minh về mặt kinh tế, tài chính và lúc đó, có thể ông Phạm Công Ngụ lại phạm thêm một tội danh độc lập khác.

Trong trường hợp này, tôi khẳng định ông Phạm Công Ngụ đủ yếu tố để xử lý về mặt hình sự. Ông Ngụ chưa bị khởi tố có thể là do các cơ quan làm án đang tiếp tục điều tra về những vi phạm kinh tế để truy tố và xét xử đầy đủ các tội danh.


– Xin cảm ơn ông!


Thăng Long – Văn Vỵ

Gia dinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP