Nông Thôn Hà Tĩnh

Vũ Quang: Tự ký kết hợp đồng chăn nuôi liên kết, nhiều nông dân dở khóc, dở cười

Lợn nuôi mãi không lớn hoặc chưa đủ trọng lượng theo yêu cầu của đối tác liên kết thì bị chết. Thực trạng này đang xảy ra tại Tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết quy mô nhỏ ở xã Đức Hương (Vũ Quang).

hatinh24h
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, đàn lợn 20 con của gia đình anh Trần Văn Minh chỉ còn lại 13 con. Ngoài 7 con bị chết, số còn lại, con lớn nhất nặng 60kg, con nhỏ nhất chỉ đạt khoảng 30kg. Cùng một lứa, cùng một đợt thả, cùng một quy trình chăm sóc nhưng do sức khỏe không giống nhau, nên độ lớn cũng không đều nhau.

Trong tổng số 260 con lợn chia đều cho 13 hộ tổ viên thì đến nay đã có tới 60 con bị chết. Hộ bị chết nhiều nhất là 12 con, hộ ít nhất cũng 2 con. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Đức Hương đã liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại An Phát có địa chỉ ở tỉnh Hưng Yên.

Cùng một lứa, cùng một đợt thả, cùng một quy trình chăm sóc nhưng do sức khỏe không giống nhau, nên độ lớn cũng không đều nhau.

Theo hợp đồng được hai bên ký kết, Công ty chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Vào thời điểm thả giống, lợn giống được doanh nghiệp chuyển về lúc nửa đêm và mọi hồ sơ thủ tục về xác minh nguồn gốc, xuất xứ, tiêm phòng đều không ai hay biết.

Lợn chết, lợn bị bệnh dẫn tới không tăng cân theo dự kiến đã làm tăng chi phí chăn nuôi. Đến thời điểm này mỗi hộ đã bỏ ra ngót nghét 90 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua thức ăn. Trong khi Hợp đồng quy định đến thời điểm xuất chuồng trọng lượng mỗi con lợn phải đạt từ 80kg trở lên, thì Công ty mới thu mua theo giá thị trường. Còn trọng lượng lợn dưới mốc 80 kg thì Công ty sẽ thu mua thấp hơn thị trường 3 giá. Bán không nỡ, nuôi không đành đang là thực trạng của phần lớn các thành viên trong tổ liên kết.

Nhiều nông dân đã có được bài học kinh nghiệm khi chân ướt, chân ráo tiếp cận với phương thức sản xuất mới

Trong quá trình thương lượng, hai bên đã thống nhất cho 7 hộ được phá bỏ hợp đồng bán lợn ra ngoài vì không thể kham được tiền thức ăn và thuốc điều trị. Điều này có nghĩa mối liên kết giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi bước đầu đã bị phá vỡ. Và cũng cho đến hôm nay khi sự bế tắc xảy ra, người ta mới thấy rằng ngay từ đầu Tổ hợp tác đã bất chấp những định hướng liên kết từ các cấp chính quyền để tự ý ký kết hợp đồng với đối tác.

Sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng con giống, sự ràng buộc theo hướng bất lợi cho người chăn nuôi trong hợp đồng liên kết đã khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí tăng cao trong khi giá thu mua mà doanh nghiệp đưa ra lại quá thấp. Thêm một bài học cho người nông dân khi chân ướt, chân ráo tiếp cận với phương thức sản xuất mới, đó là sản xuất theo chuỗi liên kết.

Văn Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP