Formosa xả thải

Vụ cá chết hàng loạt: Đang tìm nguồn gốc độc tố bị phát tán

Chiều 23/4, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh diễn ra cuộc họp khẩn giữa liên bộ NN&PTNT, TN&MT với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế nhằm bàn về giải pháp khắc phục vụ việc cá chết hàng loạt bất thường tại ven biển các tỉnh miền Trung.

Chủ trì cuộc họp gồm ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự còn có ông Võ Tuấn Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các Cục, Viện liên quan và Sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng cục nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Như Văn Cấn báo cáo về tình hình cá chết bất thường trong thời gian qua tại các tỉnh miền Trung.

Vụ cá chết hàng loạt: Đang tìm nguồn gốc độc tố bị phát tán - Ảnh 1

Toàn cảnh cuộc họp khẩn diễn ra chiều 23/4.

Theo ông Cấn, cá chết xuất hiện lần đầu tiên ở xã Kỳ Lợi, rồi đến Kỳ Hà, Kỳ Ninh thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đến ngày 10/4, một số ao nuôi tôm ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh xuất hiện tôm chết đồng loạt do bơm nước biển.

Tiếp đó, từ ngày 14 đến 16/4 lần lượt xuất hiện cá biển chết dạt vào bờ biển ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Trước tình trạng cá chết bất thường ảnh hưởng đến đời sống người dân, ngày 19/4, Cục thủy sản đã cử các đoàn làm việc ở các tỉnh.

Cơ quan chức năng đã thu giữ 42 mẫu cá, gửi đi kiểm tra. Đồng thời, Tổng cục hướng dẫn, khuyến cáo người dân không dùng cá chết làm đồ ăn cho người, cho vật nuôi.

Đến ngày 21/4, hiện tượng cá chết ở ven biển chỉ còn rải rác.

Vụ cá chết hàng loạt: Đang tìm nguồn gốc độc tố bị phát tán - Ảnh 2

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thông tin: “Quảng Bình chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Hà Tĩnh thiệt hại 37.200 con cá giống, 90 vạn con tôm giống, 20 vạn ngao giống, ước tính khoảng 4,7 tỷ đồng. Quảng Trị số lượng cá chết khoảng 30 tấn, Thừa Thiên – Huế cá chết khoảng 5.900 con”.

Về nguyên nhân cá chết hàng loạt, Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ và các cơ quan đã có kết luận bước đầu, có thể loại bỏ nguyên nhân do dịch bệnh và nguyên nhân do môi trường nước. Các chỉ số về môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là không có gì bất thường, trừ một số mẫu ở các hộ nuôi ở Thừa Thiên – Huế có một số điểm bất thường đang chờ xét nghiệm.

Về nghi vấn có khả năng có độc tố trong nguồn nước, Sở Nông nghiệp các tỉnh đã lấy mẫu và sẽ cùng với các bộ ngành khác tìm nguyên nhân, xác định chính xác độc tố là gì.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN&PTNT cũng mong muốn Bộ TN&MT sớm cung cấp các chỉ số quan trắc.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường. Độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra. Để  xác định xem nó là yếu tố gì cần thời gian nghiên cứu, sớm nhất cũng phải 10 ngày từ khi lấy mẫu.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho hay, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu virus cũng thể hiện đây không phải tác nhân gây hiện tượng cá chết.

Tỉnh Quảng Bình kết luận nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm tại Hà Tĩnh theo dòng hải lưu Bắc cực – Xích đạo đẩy vào Quảng Bình.

Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế lại xác định độ pH vùng đầm phá và ven biển tăng, thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến cá chết. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với độc khí ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cá chết nhanh.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cũng thông tin thêm: Qua nhận định ban đầu, nguyên nhân chất độc mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.

Phía lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, có thể khẳng định cá chết là do độc tố, nhưng để xác định độc tố là gì thì Hà Tĩnh không có đủ điều kiện để giám định, cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan.

Lãnh đạo Chi cục thú y Hà Tĩnh cũng khẳng định thêm, nếu là dịch bệnh thì các loại thủy sản không thể chết đồng loạt như vậy được. Cơ quan đã lấy mẫu và cho thấy chưa có dịch bệnh nào liên quan đến cá chết hàng loạt.

Kết thúc buổi họp khẩn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi trồng sản xuất, khai thác; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân được sử dụng sản phẩm thủy hải sản an toàn.

Trước nghi vấn Công ty Hưng Nghiệp Formosa xây ống xả thải trái phép ra môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đường ống xả thải sâu 17m dưới mặt biển của Formosa được Bộ cấp phép từ năm 2014.

“Đây là đường ống hợp pháp, chứ không phải phía công ty làm lén lút, được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hàng ngày.

Có thể hình dung, hệ thống kênh xả thải này có một trạm quan trắc và một cái bể. Nước thải từ trong các nhà máy sẽ đi qua đường ống này, khi tới trạm quan trắc tự động sẽ được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam rồi được đưa tới bể và thải ra ngoài. Mỗi lần xử lý trạm sẽ tự động ghi lại thông số để không xảy ra tình trạng ăn gian. Không đạt tiêu chuẩn, hệ thống sẽ trả trở lại, không cho đi”, ông Nhân nói.

PVMT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP